Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN HIỆN NAY

          Theo điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có khoảng 3.948 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại quí đã được thế giới công nhận như: Cây hồi, cây quế, cây gió bầu, sâm Ngọc linh, trinh nữ hoàng cung... Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất, chế biến lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và tỉ lệ này giảm dần theo các năm: năm 2005 chiếm 25%, năm 2009 còn 15% và đến 4 tháng đầu năm 2010 giảm xuống còn 12%. Một điều cũng hết sức nghịch lý là: trong khi Việt Nam là xứ sở của hàng ngàn cây thuốc, nhưng vẫn phải nhập khẩu 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước.
1. Đặc điểm của thuốc y học cổ truyền (YHCT):
          + Thuốc có nguồn gốc tự nhiên thuần tuý, khác với phần lớn thuốc hiện đại có nguồn gốc tổng hợp. Do đó, thuốc YHCT ít có tác dụng không mong muốn.
          + Thuốc được bào chế căn bản theo phương pháp cổ truyền.
          + Thành phần của thuốc rất phức tạp, có hoạt chất chính, hoạt chất phụ và các chất đi kèm, nhưng thường chưa biết rõ bản chất hoá học. Tính phức tạp này còn tăng lên nhiều khi bài thuốc gồm nhiều vị thuốc.
          + Tác dụng của thuốc thường thể hiện chậm, theo cơ chế tổng hợp dựa trên lý luận của y học phương Đông.
2. Thế nào là thuốc YHCT đảm bảo chất lượng?
          Thuốc YHCT đảm bảo chất lượng nghĩa là:
          + Có hiệu lực phòng bệnh, chữa bệnh.
          + Không hoặc có rất ít tác dụng không mong muốn.
          + Ổn định chất lượng trong một thời gian xác định.
          + Dược liệu phải đúng và tốt:
          Đúng: Thuốc phải được sản xuất từ dược liệu đúng (đúng tên, đúng loài, đúng bộ phận dùng), số và lượng từng vị thuốc phải đúng công thức quy định. Đặc biệt cần chú ý những dược liệu dễ nhầm lẫn.
Tiêu chuẩn dược liệu đúng là quan trọng. Năm 2005, người ta thống kê có 90 dược liệu dễ nhầm lẫn và một số loại khuyến cáo không được sử dụng, cụ thể như:
          - Phòng kỷ và Quảng phòng kỷ có chứa acid aristoloric gây độc thận.
          - Mộc thông và Quảng mộc thông có chứa acid aristoloric.
          - Hồng hoa với Tây hồng hoa...
          Tốt: Các dược liệu đưa vào sử dụng phải được trồng trọt, thu hái, chế biến, bảo quản tốt theo đúng nguyên tắc thực hành trồng trọt và thu hoạch tốt (GACP).
3. Tình hình chất lượng thuốc Đông dược trên thị trường hiện nay:
- Theo báo cáo của Viện Dược liệu thì 90% thuốc YHCT tại thành phố Hồ Chí Minh là nhập lậu và hết hết các dược liệu đều bị chiết xuất nên các hoạt chất trong dược liệu không đảm bảo.
- Chất lượng thuốc Đông dược hiện nay vẫn còn thiếu những quy định về giới hạn kim loại nặng, quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (HCBVTV) và hóa chất kích thích tăng trưởng. Theo Cục Bảo vệ thực vật thì 100% lượng HCBVTV phải nhập khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm 70%.
- Việc kiểm tra và khống chế dư lượng HCBVTV trong dược liệu nhằm giảm thiểu tác hại của chúng đối với sức khỏe con người là hết sức cần thiết. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đánh giá được tình hình sử dụng HCBVTV trong trồng dược liệu và ở sách Dược điển III cũng chưa quy định giới hạn HCBVTV tồn dư trong dược liệu và cũng như phương pháp kiểm tra chúng.
- Qua khảo sát của Viện Dược liệu, có 21/95 mẫu dược liệu khảo sát có dư lượng HCBVTV, hay gặp nhất là các mẫu dược liệu có bộ phận dùng là lá và hoa, như Khổ sâm, Ngải cứu, Tía tô, Húng quế, Kinh giới, Cúc hoa. Ngoài việc phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, trừ bệnh, còn phát hiện thấy dư lượng thuốc kích thích sinh trưởng (như acid giberelic) trong khá nhiều mẫu. Đối với dược liệu khô như Đương qui, Sâm, Ngưu tất... ngoài các HCBVTV còn phát hiện dư lượng các chất bảo quản.
- Bên cạnh đó còn xuất hiện dược liệu giả: Là các dược liệu có hình thái gần giống với dược liệu thật, nhưng không có các đặc điểm thực vật và hoá học giống với dược liệu thật, hoặc bộ phận dùng không đúng hay bị trộn lẫn dược liệu thật với thành phần khác, với các tỷ lệ khác nhau mà vẫn lấy tên là dược liệu thật. Hay gặp ở các dược liệu như Hoàng kỳ, Hoài sơn, Bạch linh, Đan sâm…
+ Hoàng kỳ: Khác với vị hoàng kỳ (Astragalus membranaceus).
+ Hoài sơn: Lẫn với các củ khác thuộc họ Dioscoreae.
+ Bạch linh: Làm giả hoàn toàn hay trộn lẫn với các loại bột khác, ép thành bánh giống Bạch linh...
4. Chất lượng thuốc Đông dược tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng:
          Để khắc phục tình trạng thuốc Đông dược như vừa nêu, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc việc mua thuốc qua Công ty Dược Đà Nẵng, và thuốc được bào chế theo đúng quy trình tại khoa Dược của Bệnh viện, các mẫu thuốc nghi ngờ có nhiễm một số chất gây độc cho người bệnh như: Rhodamin B trộn lẫn vào Hồng hoa; Mộc thông, Phòng kỷ có chứa acid aristoloric gây độc cho thận... Bệnh viện kịp thời gửi mẫu đến Trung tâm Kiểm nghiệm Đà Nẵng và đến nay chưa có mẫu dược liệu nào có hoạt chất gây độc. Trong nhiều năm qua, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện ngày càng tăng, tuy nhiên chưa có ghi nhận trường hợp nào ngộ độc và dị ứng thuốc khi dùng thuốc Đông dược được bào chế tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét