Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

GÁNH NẶNG TỪ THUỐC LÁ

“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”, “Hút thuốc có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”… là những cảnh báo mà chúng ta thường thấy trên vỏ bao thuốc lá. Người ta có thể đọc thuộc lòng những dòng chữ này, nhưng nhận thức được đầy đủ thuốc lá có hại cho sức khỏe như thế nào lại chiếm số ít trong số những người đang sử dụng thuốc lá. Khi hút thuốc, với một lượng Nicôtin nhẹ trong điếu thuốc, người hút sẽ không bị tử vong ngay tức khắc mà trái lại còn thấy nhẹ nhàng, dịu cơn đói và bớt mệt mỏi. Chính vì vậy, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc mà không nhận thức được những hậu quả khôn lường do thuốc lá gây ra. Thuốc lá đã và đang làm tăng thêm gánh nặng bệnh tật, ảnh hưởng tới tương lai giống nòi và đe dọa sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Gánh nặng bệnh tật
Thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư như Phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), Toluene (dung môi công nghiệp), Methanol Formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Trong một nghiên cứu gần đây, người ta đã tìm thấy trong khói thuốc lá có chất Polonium 210 là một chất phóng xạ rất độc và có thể đọng lại ở các nhánh phế quản, làm tăng khả năng mắc ung thư cũng như các bệnh tim mạch, đột qụy… Khi hút, các chất trong thuốc lá sẽ đi vào cơ thể và âm thầm phá hoại các bộ phận, nhất là phổi, tim, hệ thần kinh… Thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh, trong đó có đến 15 loại bệnh thường gặp như: Rụng tóc, cao răng, ung thư thanh quản, bệnh vẩy nến, đục nhân mắt, điếc, loãng xương, ung thư phổi và giảm khả năng sinh sản… Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, nhất là nam giới với 15 triệu người hút thuốc lá và 4,1 triệu người hút thuốc lào. Cứ 2 nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết do những bệnh hiểm nghèo có liên quan đến thuốc lá và đến năm 2020, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, bệnh Lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Thuốc lá có sức tàn phá ghê gớm đối với sức khỏe của con người, gây ra những loại bệnh hiểm nghèo, làm tăng chi phí chữa bệnh, thậm chí còn cao hơn lợi nhuận do thuốc lá đem lại ở các công ty thuốc lá.
Gánh nặng kinh tế
Nhiều người vẫn cho rằng thuốc lá chỉ là vấn đề liên quan tới sức khỏe mà chưa nhận thức được ảnh hưởng xấu của nó đối với nền kinh tế và đói nghèo. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hàng năm, một bộ phận dân cư trong nước sử dụng khoảng 4,5 - 4,8 tỉ bao thuốc lá. Số tiền bình quân một người tiêu tốn cho thuốc lá tương ứng với 1/3 số tiền dành cho lương thực, khoảng 1,5 lần mức chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục. Ước tính với khoảng 16 triệu người hút thuốc như hiện nay, số tiền chi tiêu cho thuốc lá lên đến hơn 16.000 tỉ đồng mỗi năm. Những con số trên cho thấy, thuốc lá đã tiêu tốn một số tiền không nhỏ trong khoản chi hằng ngày của mỗi người, chưa kể một chi phí lớn cho việc chữa các bệnh mắc phải liên quan đến thuốc lá. Tử vong do thuốc lá xảy ra nhiều ở nhóm tuổi lao động (từ 30-69) và thường gặp ở các hộ gia đình nghèo khiến nhiều gia đình mất đi lao động chính sẽ càng nghèo hơn và nền kinh tế sẽ bị thiếu hụt một lực lượng lao động quan trọng cho sự phát triển . 
Hủy hoại tương lai giống nòi
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe sinh sản đã cho thấy rằng, thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ hoặc dẫn đến vô sinh do giảm hàm lượng hóc môn sinh dục estrogen và một số hóc môn khác có liên quan đến chức năng sinh sản… Trứng và tinh trùng bị ảnh hưởng sẽ dễ dẫn tới khả năng trẻ sinh ra không được hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa kể khi người mẹ có tiền sử hút thuốc hoặc hút thuốc khi mang thai thì nguy cơ này còn lớn gấp nhiều lần. Như vậy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ trẻ đã phải chịu hậu quả bệnh tật do cha mẹ chúng gây ra. Theo một nghiên cứu của WHO tiến hành vào năm 2003, có 71% trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các gia đình ít nhất có một người hút thuốc; gần 60% trẻ em ở tuổi thiếu niên thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở nhà. Thuốc lá đã tàn phá sức khỏe con người từ khi còn đang ở trong bụng mẹ và cả những trẻ đã được sinh ra. Liệu những trẻ như vậy khi lớn lên có đảm bảo được chỉ số IQ và một thể chất khỏe mạnh?
Đâu là giải pháp?
Hiện nay, giá thuốc lá thấp, việc kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ có ở khắp mọi nơi nên những người hút thuốc rất dễ dàng tiếp cận với thuốc lá; các quy định cấm đối với thuốc lá vẫn chưa được nhiều người chú ý thực hiện. Khói thuốc lá vẫn hiện diện hằng ngày trong cuộc sống và âm thầm giết chết người dùng nó. Do đó, thuốc lá đã và đang là mối lo ngại cho sức khỏe con người và đe dọa sự phát triển của nền kinh tế. Để giảm được gánh nặng do thuốc lá gây ra, trước hết phải loại trừ được căn nguyên gây bệnh. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá để nâng cao nhận thức của người dân thì mới mong dần thay đổi hành vi của người hút thuốc được. Cảnh báo về tác hại của thuốc lá cần được thực hiện bằng hình ảnh bệnh tật do thuốc lá gây ra trên một diện tích hợp lý ở vỏ bao. Tạo sự đồng thuận và dư luận phản đối mạnh mẽ hơn từ gia đình, nhà trường và xã hội đối với hành vi hút thuốc lá. Bên cạnh đó, cần giảm nguồn cung cấp thuốc lá bằng cách đánh mạnh vào thuế thuốc lá. Hiện nay thuế thuốc lá ở nước ta đang còn thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo của thế giới là 65-80% và so với các nước trong khu vực. Tăng thuế thuốc lá buộc các nhà sản xuất phải tăng giá lên. Giá cao sẽ làm cho những người đang hút thuốc giảm mức độ sử dụng và có thể tiến tới bỏ hẳn; những người đang bỏ thuốc sẽ khó hút lại và giúp ngăn chặn những người bắt đầu có ý định hút thuốc. Nếu tăng thuế thuốc lá thêm 10% trong điều kiện chính sách như hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thể giảm được 1.000 ca tử vong do thuốc lá gây ra và tăng thêm được hàng nghìn tỷ đồng cho Chính phủ từ doanh thu thuế. Nếu làm được như vậy thì bản thân người hút và Chính phủ đều giàu lên, tình trạng hút thuốc lá quá nhiều như hiện nay sẽ được cải thiện. Ngoài ra cần chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhất là nạn buôn bán thuốc lá đang diễn ra phổ biến như hiện nay; xây dựng các cơ sở cai nghiện thuốc lá cho người có nhu cầu và thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân làm cho người ta tìm đến thuốc lá.
Chúng ta không thể để cho hàng ngàn người chết vì thuốc lá mỗi năm chỉ vì một thói quen vô bổ. Cần phải hành động và ngăn chặn kịp thời ngay từ hôm nay nếu như không muốn thuốc lá tàn phá sức khỏe, kinh tế và tương lai giống nòi. Để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh và cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ với sự tham gia của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, nhất là sự hưởng ứng từ những người đã và đang sử dụng thuốc lá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét