Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Phát hiện sớm đục thuỷ tinh thể

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam có tới 70% số người mù là do đục tinh thể. Đáng nói là có tới 35% người mù do đục thủy tinh thể không biết bản thân bị bệnh hoặc đây là bệnh có thể chữa được.

Đục thủy tinh thể là một căn bệnh rất phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Điều đáng nói, đa phần người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Bệnh đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi, nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản bằng kỹ thuật mổ Phaco. Thị lực người bệnh được phục hồi tốt. Tuy nhiên, đa số người bệnh lại đến viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Nhất là ở những trường hợp mà các dây thần kinh thị giác (nhiệm vụ cung cấp thông tin nhìn thấy đến não) có thể đã bị phá huỷ hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn hoặc nếu điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do tuổi già, đái tháo đường, tăng huyết áp, cận thị, chấn thương…

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa. Bệnh không phải là ung thư hoặc khối u bất thường trong mắt. Bệnh này là do những thay đổi vật lý trong các thành phần của thủy tinh thể gây đục.

Các triệu chứng của bệnh:

- Mắt nhìn thấy mờ, thị lực suy giảm, khó nhìn, lóe sáng, quáng gà, ra nắng mờ hơn trong nơi râm mát.

- Sức nhìn kém trong các vùng sáng bao quanh.

- Nhìn một vật thành hai hoặc ba.

Điều trị: Phẫu thuật là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong việc chữa đục thủy tinh thể. Tỷ lệ thành công cao với hơn 90% bệnh nhân khôi phục tốt thị lực của mình với những kỹ thuật tiên tiến hiện nay như Phaco. Sau phẫu thuật bệnh nhân phục hồi rất nhanh và có thể nhìn thấy sau một thời gian ngắn.

Phòng ngừa: Hiện vẫn chưa có cách phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể. Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến gây thị lực kém ở người cao tuổi. Chính vì vậy, nên tăng cường kiểm tra mắt định kỳ nhất là với người cao tuổi để hạn chế các biến chứng, bảo vệ chức năng thị giác và giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.
(suckhoedoisong)

Các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em

Theo thông tin từ Hội Nhãn khoa Việt Nam, trên thế giới cứ 1 phút có thêm một trẻ em bị mù, tỉ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ em đang tăng nhanh. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ cận thị ở học sinh chiếm trên 20%, còn tại các vùng nông thôn chiếm khoảng 13%. Mối nguy hiểm lớn nhất đe doạ thị lực của trẻ em, đó chính là những căn bệnh cản trở sự phát triển bình thường của mắt như bệnh lác, bệnh nhược thị và rất nhiều bệnh khác.
Nếu không được chữa trị kịp thời thì đôi mắt của trẻ sẽ mang tật suốt đời. Một phương pháp điều trị mắt không can thiệp bằng các biện pháp phẫu thuật mà chỉ áp dụng những phương pháp kích thích an toàn và không gây cảm giác sợ hãi hoặc đau đớn có thể là một gợi ý cho các bậc phụ huynh để điều trị kịp thời các bệnh mắt cho con mình trước khi chúng trở nên quá nặng.

Nhw trường hợp bé Lê Hoàng Khôi, 6 tuổi, bị mắc các bệnh nhược thị, viễn thị nhẹ, cận thị, loạn thị, những tật khúc xạ khiến em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi. Khôi sẽ tham gia vào khoá điều trị bằng máy 1 tiếng mỗi ngày, mỗi khoá điều trị 10 ngày; 2 - 3 khoá mỗi năm. Tham gia vào khoá điều trị, Khôi được xem phim, điện não đồ vùng thị giác và phân tích kết quả. Vùng hoạt động trùng với màu xanh, tương đương với phim sẽ được chiếu trên màn hình. Vùng không hoạt động hay còn gọi là vùng bị ức chế trùng với màu đỏ, lúc đó màn hình sẽ bị tối đen. Xem phim không liền mạch buộc hệ thị giác phải hoạt động. Việc luyện tập cho mắt sẽ giúp cải thiện thị lực cho Khôi. Ngoài ra, Khôi và các bạn tham gia khoá điều trị còn phải trải qua các bài tập trên hệ thống các máy trực tiếp tác động lên mắt. Một biểu hiện của các tật khúc xạ đó là võng mạc lười hoạt động. Chiếc máy chiếu laser với mức năng lượng thấp để không làm tổn thương mắt. Việc chiếu tia này kích thích võng mạc hoạt động để võng mạc trở nên tốt hơn. Chiếc máy quang học, chiếu hình chạy từ gần đến xa, từ xa đến gần, đều có tác dụng tác động vào hệ điều tiết của mắt, giúp hệ điều tiết trở nên linh hoạt hơn. Đây có thể coi là những bài tập thể dục nhẹ nhàng cho mắt, đồng thời giúp thị lực được cải thiện nhờ võng mạc và hệ điều tiết hoạt động linh hoạt hơn. Sau mỗi khoá điều trị, thị lực có thể tăng từ 1 - 2/10, với những trường hợp nhẹ có thể khỏi luôn hoặc khôi phục được hoàn toàn thị lực.
Các bệnh thường gặp của mắt trẻ em đó là nhược thị: suy giảm chức năng thị giác, thường với nhược thị, rất khó để tìm được loại kính đeo để giúp nhìn tốt lên. Bệnh cận thị giả thì không cần đeo kính mà cần phải điều trị đúng cách. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh thường gặp khác như lệch góc nhìn, khi cho bé tập trung nhìn một điểm ảnh sẽ thấy mắt bé bị lác; hoặc bị bong võng mạc với những bé sơ sinh... Tất cả những tật khúc xạ này thường không cần can thiệp bằng các biện pháp phẫu thuật như mổ, vốn được hạn chế tối đa, mà quan trọng là cần điều trị bằng các bài tập để nâng cao thị lực cho mắt. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần điều trị các tật khúc xạ cho các em.
Có 3 nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ mắt, đó là yếu tố di truyền, một nguyên nhân quan trọng khác, đó là do tác động của cuộc sống, môi trường sống. Trẻ em nông thôn thường ít bị các tật khúc xạ hơn do các em có một không gian sống rộng mở, mắt thường được nhìn rộng, nhìn xa, điều tiết tốt hơn. Trong khi đó trẻ em thành phố lại thường xuyên phải nhìn gần do xem tivi, máy tính, chơi game, không gian sống chật chội... Nguyên nhân thứ 3 đó là điều trị không đúng phương pháp, đeo kính không chuẩn dẫn đến bệnh càng nặng hơn.
Tật khúc xạ mắt ở trẻ em nếu không điều trị sớm, để các em càng lớn sẽ càng khó điều trị. Vì thế, vai trò của phụ huynh trong phòng ngừa và điều trị các bệnh về mắt cho con mình là rất quan trọng. Bạn cần thường xuyên theo dõi con, không để trẻ tiếp xúc tivi, máy tính nhiều, đọc sách hoặc nhìn quá gần. Nếu trẻ xem tivi hay nheo mắt cần cho trẻ đi khám.
Trẻ em cảm nhận được thế giới và 90% các thông tin là nhờ vào đôi mắt. Vì thế, nỗi day dứt lương tâm sẽ theo suốt cuộc đời của chúng ta nếu không quan tâm đúng lúc tới đôi mắt của con em mình

Phòng bệnh Viêm màng não do não mô cầu

Bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở mọi nơi, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi) vào mùa nắng nóng… Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm màng não.

1. Viêm màng não là bệnh gì?

Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não, nguyên nhân có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể bị viêm màng não.

2. Bệnh viêm màng não lây như thế nào?

Bệnh lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp. Một số người lành khi hít phải chất tiết này khi người bệnh ho hay hắt hơi sẽ có thể bị bệnh.
Siêu vi trùng hoặc vi trùng khi vào cơ thể sẽ vào máu sau đó xâm nhập vào màng não và gây bệnh. Nếu tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm màng não, một số trường hợp cần uống thuốc dự phòng tùy theo chỉ định của bác sỹ, tuy nhiên lây bệnh viêm màng não trực tiếp từ người sang người rất hiếm.

3. Ai có thể bị viêm màng não?

Bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở mọi nơi, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi) vào mùa nắng nóng, do thói quen sinh hoạt và thời tiết làm trẻ em thường hay mắc các bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp .
Đó cũng là điều kiện để thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

4. Các triệu chứng của viêm màng não như thế nào?

Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi bằng các triệu chứng như sau:
  • Trẻ lớn: sốt cao, than đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng
  • Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
  • Riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều
Khi nặng hơn trẻ sẽ bị làm kinh, co giật, li bì, hôn mê. Các triệu chứng kể trên có thể không xảy ra theo trình tự và không xuất hiện ở mọi bệnh nhân. Các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.

5. Bệnh viêm màng não diễn tiến như thế nào?

Diễn tiến bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: nếu do vi trùng sẽ gây tử vong hay để lại di chứng nặng khi trẻ không được điều trị kịp thời. Còn nếu do siêu vi trùng thì bệnh sẽ tự khỏi cũng như đa số các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác (nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp gây ra cảm cúm, ho, sổ mũi; nhiễm siêu vi trùng đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, ói).
Tuy nhiên, dù viêm màng não do vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng của bệnh. Mặt khác để chẩn đoán được viêm màng do vi trùng hay do siêu vi trùng thì cần phải có những xét nghiệm đặc biệt và theo dõi bởi bác sĩ có kinh nghiệm.

6. Làm thế nào để chẩn doán bệnh viêm màng não?

Để có thể biết được bệnh nhân có viêm màng não hay không và nguyên nhân là do vi trùng hay do siêu vi trùng thì cần phải làm các xét nghiệm, đặc biệt làxét nghiệm nước màng não (nước não tủy) và theo dõi cẩn thận tại bệnh viện. Một số phụ huynh không đồng ý cho bác sĩ lấy nước màng não xét nghiệm có thể gây chậm trễ cho việc chẩn đoán bệnh .

7. Bệnh viêm màng não có thể điều trị được hay không?

Để điều trị khỏi bệnh viêm màng não do vi trùng (viêm màng não mủ) cần phải nhập viện sớm, sử dụng kháng sinh thích hợp và nằm viện ít nhầt 10 ngày, trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi tại bệnh viện chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.
Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không điều trị hay điều trị trể bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt tay chân hay nặng hơn trẻ không còn nhận biết được người thân dù đã điều trị khỏi bệnh, nhưng nếu điều trị kịp thời trẻ sẽ khỏi bệnh và hoàn toàn bình thường.

8. Bạn sẽ làm gì nếu bạn nghĩ con bạn bị viêm màng não?

Bạn đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt vì dự hậu của bệnh viêm màng não tùy thuộc vào bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Để phát hiện sớm bệnh viêm màng não cần mang trẻ đến bác sĩ khám khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, thóp phồng và cần mang đến bệnh viện ngay khi có có các dấu hiệu nặng như co giật, bỏ bú, bỏ ăn, li bì , hôn mê.
Đối với trẻ chưa thể đến bác sĩ khám ngay thì điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt và quan trọng nhất là theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn. Do đó khi thấy các triệu chứng trên ngày càng nặng hơn thì nên mang trẻ đến bệnh viện.

9. Có thuốc chủng ngừa viêm màng não ở Việt Nam không ?

Có thuốc chủng ngừa một vài loại viêm màng não riêng lẻ nhưng không có thuốc chủng ngừa tất cả các vi trùng gây viêm màng não. Tại Việt nam hiện có 2 loại thuốc chủng ngừa viêm màng não: viêm màng não mủ hay viêm màng não do Hib và viêm màng não do não mô cầu.

10. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm màng não?

Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai.
Việc phòng ngừa bằng thuốc chích ngừa chỉ có tác dụng đối với một số loại vi trùng gây ra viêm màng não. Đó là vắcxin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influenza type B). Tuy nhiên chi phí rất cao khoảng gần 300.000 đồng cho 1 liều vắcxin ( cần phải chích từ 1 – 3 liều tùy theo tuổi và vắcxin này không cần thiết phải chích cho trẻ trên 5 tuổi vì vi trùng này rất khi ít gây viêm màng não ở trẻ trên 5 tuổi).
Ngoài ra còn có vắcxin phòng viêm màng não do não mô cầu (cần phải chích nhắc lại mỗi 3 năm cho trẻ trên 18 tháng tuổi).

MƯỜI ĐIỂM NỖI BẬT CỦA NGÀNH Y TẾ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2011

1.     Công tác phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, đã đẩy lùi được các dịch bệnh nguy hiểm; một số dịch bệnh như: cúm A(H5N1), cúm A/H1N1, tả, sốt xuất huyết...đã được ngăn chặn không để bùng phát tại thành phố; đã khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh Rubela, Tay - Chân - Miệng...
2.     Công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những kết quả tốt. Trong năm qua, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn thành phố.
3.     Trung tâm Phụ sản - Nhi được hình thành và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và góp phần thức đẩy các mũi nhọn chuyên khoa tại thành phố Đà Nẵng.
4.     Công tác xã hội hoá các hoạt động y tế được đẩy mạnh, nhiều bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật y tế hiện đại vào khám chữa bệnh, giải quyết tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đã có nhiều thiết bị được đầu tư từ công tác xã hội hoá như: máy MRI 1,5 Tesla, máy siêu âm màu 4 chiều, các hệ thống X-Quang kỹ thuật số...
5.     Tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố không thu phí giữ xe đạp, xe máy. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
6.     Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố bước đầu được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và xây dựng thành công Labo đạt chuẩn ISO 17025.
7.     Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục đạt nhiều thành tích tốt, góp phần khống chế tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở cộng đồng dưới mức 0,15%; Khai trương 2 Cơ sở điều trị Methdone trên địa bàn thành phố (01 tại quận Thanh Khê và 01 tại quận Hải Châu) và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả.
8.     Cơ sở mới của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố đã được xây dựng (giai đoạn I) từ nguồn kinh phí của chương trình Mục tiêu y tế Quốc gia. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2011, đáp ứng nhu cầu các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
9.     Triển khai xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang bằng nguồn kinh phí từ dự án "Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ", công trình đã bắt đầu khởi công xây dựng từ ngày 25/11/2011 và dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu quý IV/2012.
10. Tranh thủ các nguồn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức viện trợ Quốc tế để nâng cấp cơ sở, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ...nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng, với tổng giá trị viện trợ gần 10 tỷ đồng./.

ĐÀ NẴNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ỔN GIÁ THUỐC

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tất cả 73 cơ sở bán buôn và 383 cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động (không kể quầy thuốc trạm y tế và thuốc y học cổ truyền), bình quân 1 điểm bán thuốc phục vụ cho 2.317 người dân. Mạng lưới bán thuốc từng bước được mở rộng, tạo điều kiện để người dân khi cần mua thuốc dễ dàng hơn.
Trong thời gian này, giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu trên toàn quốc đều đồng loạt “sốt” giá với mức tăng trung bình từ 20-40%. Thậm chí một số mặt hàng tươi sống còn tăng đến 70-80%, thì việc tăng giá thuốc là một điều tất yếu.
Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại công văn số 1429/UBND-KHTH ngày 17/3/2011 về việc xử lý danh mục thuốc bình ổn giá, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm bình ổn giá thuốc với các nội dung:
1. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc đóng trên địa bàn thành phố kê khai, niêm yết để đối chiếu với giá thuốc niêm yết, giá bán thực tế nhằm phát hiện các trường hợp tự điều chỉnh giá mà không tiến hành kê khai lại gây ảnh hưởng tới sự bình ổn thị trường thuốc trên địa bàn thành phố.
2. Thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra về giá thuốc, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các qui định về quản lý giá thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình kiểm tra cần lưu ý các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc báo cáo cụ thể về giá thuốc đã kê khai, kê khai lại để đối chiếu với giá niêm yết; Xử lý kiên quyết các trường hợp tự điều chỉnh giá mà không tiến hành kê khai lại.
3. Hội đồng thuốc Sở Y tế khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức lại đấu thầu lần 2 cho gói thầu cung ứng thuốc chuyên khoa và y dụng cụ thông thường cho các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc.
 Mục tiêu của các giải pháp là:
  - Đảm bảo cho người dân được cung ứng đầy đủ thuốc với giá cả hợp lý, không vượt quá khả năng của người bệnh.
 - Hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng thuốc về vốn, doanh thu… căn cứ vào số lượng thuốc chuyên khoa và y dụng cụ thông thường doanh nghiệp đã “ứng hàng trước” cho các bệnh viện trực thuộc và gía trúng thầu. Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết bù giá cho các doanh nghiệp.
Các giải pháp cụ thể: 
+  Đối với gói thầu cung ứng thuốc chủ yếu năm 2010: Đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân theo đúng cam kết giữ ổn định giá thuốc trúng thầu năm 2010 đến hết ngày 30 tháng 10 năm 2011.
  + Đối với gói thầu cung ứng thuốc chuyên khoa và y dụng cụ thông thường năm 2010: Trong thời gian chờ hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu lần 2 theo qui định, Sở Y tế yêu cầu Công ty Cổ phần Dược – Thiết bị y tế Đà Nẵng và Công ty Cổ phần thiết bị y tế Danameco thực hiện phương thức “ứng hàng trước”, tiếp tục cung ứng đủ các thuốc chuyên khoa và y dụng cụ thông thường đã trúng thầu năm 2009 đến khi có giá trúng thầu của kết quả đấu thầu lần 2 đã được UBND thành phố phế duyệt.
+  Đối với các mặt hàng có khả năng khan hiếm: yêu cầu các Công ty Dapharco và Công ty Danameco có giải pháp duy trì nguồn hàng, ưu tiên cung ứng cho các bệnh việnvà các cơ sở bán lẻ thuốc để phục vụ trực tiếp người bệnh. Đồng thwoif báo cáo về Sở Y tế phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết.
+   Đối với các nhà thuốc và quầy thuốc bán lẻ: Thực hiện 100% nhà thuốc đạt GPP.
Tính đến ngày 15/3/2011, toàn thành phố có 60/73 cơ sở bán buôn thuốc đạt GDP chiếm tỷ lệ 82,19%; Có 94/383 cơ sở bán lẻ thuốc đạt GPP (24,54%). Nhìn chung tiến độ áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn đạt GDP và GPP ở thành phố còn chậm, nhất là tiến độ thực hiện GPP ở các quầy thuốc của danh nghiệp còn quá chậm so với yêu cầu chung. Việc chậm trễ này ngoài lý do thiếu Duwocj sĩ đại học còn lý do khác là chờ Bộ y tế gia hạn lộ trình, thay đổi chính sách, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư, tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh cho phù hợp..v.v…
GPP (Good Pharmacy Practices) có nghĩa là “Thực hành tốt quản lý nhà thuốc”. GPP bao gồm các nguyên tắc cơ bản về chuyên môn và đạo đức trong thực hành nghề nghiệp tại nhà thuốc (nguyên tắc quản lý và tiêu chuẩn kỹ thuật) để bảo đảm việc sử dụng thuốc được chất lượng, hiệu quả và an toàn.
GPP là tiêu chuẩn cuối cùng trong 5 tiêu chuẩn thực hành tốt trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc - từ khâu sản xuất (GMP), kiểm tra chất lượng (GLP), tồn trữ bảo quản (GSP), lưu thông phân phối (GDP) và phân phối đến tay người bệnh (GPP). Từ 1996, Bộ Y tế đã từng bước ban hành và áp dụng tiêu chuẩn GMP, GLP, và GSP. Tháng 1 năm 2007, Bộ chính thức ban hành và áp dụng hai tiêu chuẩn còn lại (GDP và GPP) để bảo đảm tính đồng bộ và toàn diện từ sản xuất, lưu thông và phân phối lẻ. Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị và an toàn cho nhân dân.
GPP là công đoạn cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc. Nếu chỉ tập trung quản lý các khâu đầu như sản xuất (GMP), kiểm tra chất lượng (GLP), tồn trữ bảo quản trong kho (GSP) mà không chú trọng đến khâu sau cùng là nhà thuốc, với các yêu cầu về điều kiện bảo quản thuốc, trình độ chuyên môn và phương thức quản lý của chủ nhà thuốc, quy trình hướng dẫn, theo dõi việc sử dụng thuốc… (nói cách khác là để tình trạng các nhà thuốc lộn xộn như hiện nay) thì quy trình đảm bảo chất lượng thuốc chỉ là nửa vời, vô nghĩa và lãng phí vì không đạt được mục tiêu đảm bảo thuốc chất lượng, hiệu quả, an toàn đến tay người bệnh.
Người bệnh được lợi gì từ những nhà thuốc GPP ?
- Người bệnh được mua thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được sử dụng thuốc có chất lượng trong điều kiện bảo quản theo quy định.
- Người bệnh được hưởng các dịch vụ chăm sóc dược đúng theo quyền lợi của mình : được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Từng bước khắc phục thói quen tự kê đơn tự điều trị của người bệnh, khắc phục tâm lý thuốc tốt là thuốc đắt tiền. Như vậy thời gian điều trị bệnh sẽ ngắn đi và chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm.
Đến hết tháng 3/2011, trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê, nếu nhà thuốc hoặc quầy thuốc bán lẻ nào không công nhận đạt GPP sẽ cấm hoạt động. Các quận còn lại như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ… nếu chưa đủ Dược sĩ đại học để chuyển thành nhà thuốc GPP nhưng đáp ứng các điều kiện về cơ sở, thiết bị theo quy định và có văn bản đề nghị của Giám đốc doanh nghiệp sẽ được Giám đốc Sở Y tế xem xét, cho phép di chuyển đến các địa điểm chưa có đủ một nhà thuốc hoặc quầy thuốc phục vụ 3.000 dân và được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31/12/2011.
- Song song với những giải pháp của Ngành Y tế, người dân nên góp phần vào bình ổn giá thuốc bằng cách: Mua thuốc tại nhà thuốc GPP vì tại các nhà thuốc này giá sẽ không cao hơn các nhà thuốc thường mà đảm bảo chất lượng của thuốc, người bệnh được tư vấn và phục vụ tốt.
- Thuốc bán tại nhà thuốc GPP có nguồn gốc rõ ràng, hợp lệ, được kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực (đầu cơ nâng giá, phá giá
- Việc đầu tư các chuỗi nhà thuốc GPP với nguồn cung ứng ổn định, lâu dài, bớt các tầng suất trung gian sẽ hạ giá thành và góp phần điều tiết thị trường.
- Bộ Y tế có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà thuốc GPP, thí dụ như ưu đãi về thuế, nhập khẩu trực tiếp, bán thuốc qua mạng đối với chuỗi nhà thuốc, tham gia cung ứng thuốc cho bảo hiểm y tế, bệnh viện, chính sách hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tất cả sẽ góp phần làm hạ giá thuốc.…
DS Trần Cúc
Trưởng Phòng Ngiệp vụ Dược Sở Y tế

Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật

Khuyết tật là tình trạng giảm chức năng ở cấp độ cấu trúc cơ thể cá nhân hoặc xã hội, xảy ra khi một người có vấn đề về sức khỏe gặp phải các rào cản trong môi trường sống. Nói một cách đơn giản thì đó là những người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần dẫn đến giảm khả năng thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Khuyết tật có 3 cấp độ là khiếm khuyết, hạn chế hoạt động và hạn chế sự tham gia. Nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật có thể xuất hiện trước, trong và sau khi sinh, thường do cấu tạo sinh học cơ thể bà mẹ (nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu Rh, bệnh tật mắc phải..), sử dụng thuốc trong khi mang thai, sinh non, chấn thương và các yếu tố môi trường như bà mẹ sống trong môi trường ô nhiễm, hút thuốc, uống rượu, trẻ bị chấn thương sau sinh…
Theo điều tra của Ủy ban dân số Mỹ năm 1994-1995, có khoảng 10% trẻ dưới 15 tuổi bị giảm chức năng, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và 9,1% trẻ trong độ tuổi 0-14 được ghi nhận bị khuyết tật với 1,1% khuyết tật nghiêm trọng. Tại Việt Nam, trẻ em chiếm 36% dân số, trong đó ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi 0-17 tuổi (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ dưới 6 tuổi có tỷ lệ khuyết tật là 1,39% so với trẻ cùng độ tuổi. Các loại khuyết tật thường gặp là khuyết tật về nói, nghe, nhìn, vận động, học và khuyết tật hành vi, tình cảm và xã hội. Trong cộng đồng thường gặp nhất là khuyết tật về vận động (22,4%) và khuyết tật về nói (21,4%). Nguyên nhân của các loại khuyết tật gặp ở trẻ em là do bẩm sinh (55-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%).
• Thế nào là phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật?
Phát hiện sớm là sàng lọc phát triển của trẻ theo độ tuổi nhằm phát hiện những trẻ có yếu tố nguy cơ (bị bệnh lý di truyền, sinh non, bệnh tật...), bị chậm phát triển hoặc bị khuyết tật để có biện pháp hỗ trợ và can thiệp.
Can thiệp sớm là áp dụng bất kỳ một dịch vụ hoặc hình thức hỗ trợ nào nhằm vào trẻ, vào cha mẹ trẻ, hoặc gia đình và môi trường xung quanh nhằm hỗ trợ sự phát triển và hòa nhập của trẻ. Để can thiệp, đầu tiên phải nhận dạng được những dấu hiệu bất thường về thể chất, giác quan, tinh thần và hành vi của trẻ. Sau đó các dấu hiệu này sẽ được gia đình, cộng đồng, thầy cô hoặc các bác sĩ, chuyên gia tâm lý phát hiện một cách có hệ thống. Sau khi được phát hiện, trẻ sẽ được các nhà chuyên môn chẩn đoán để xác định rõ ràng loại khuyết tật và cuối cùng là tư vấn, hướng dẫn và huấn luyện cho các đối tượng liên quan tới trẻ bị khuyết tật cách chữa trị, các hình thức trị liệu phù hợp giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần.
          Phát hiện sớm, can thiệp sớm thường được thực hiện cho các trẻ em trong độ tuổi từ 0-6 tuổi, là giai đoạn phát triển quan trọng nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất. Thường được thực hiện qua 3 giai đoạn từ phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ đến xác định trẻ khuyết tật hoặc có dấu hiệu chậm phát triển, đồng thời xác định nhu cầu can thiệp y tế, giáo dục và xã hội và cuối cùng là tiến hành can thiệp bằng các biện pháp phù hợp với sự tham gia của gia đình và xã hội.
          Chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm tại Việt Nam được thực hiện từ năm 1987 trong chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Thông qua các cuộc điều tra hoặc khám sàng lọc, trẻ sẽ được phát hiện khuyết tật hoặc chậm phát triển, sau đó được can thiệp y tế hoặc giáo dục tùy theo tình trạng từng trẻ. Nhìn chung, các thiết kế của chương trình nghiêng nhiều về can thiệp giáo dục (kỹ năng giảng dạy, tổ chức trò chơi…). Qua chương trình này cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì những ảnh hưởng của khuyết tật sẽ giảm đi rất nhiều.
• Ý nghĩa của việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật:
Nếu trẻ bị khuyết tật mà không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu trẻ khuyết tật và chậm phát triển được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hiệu quả phục hồi rất nhanh và phát huy được tối đa khả năng còn lại. Đồng thời, ngăn chặn quá trình suy thoái và cải thiện chức năng cho trẻ, giúp trẻ phát triển tương đối bình thường so với trẻ không khuyết tật, phòng tránh khuyết tật thứ phát. Điều này sẽ vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển và thành công của trẻ sau này.
 Không những giúp trẻ duy trì được nhịp độ phát triển mà đối với gia đình, đặc biệt là cha mẹ trẻ, giúp họ dễ chấp nhận khuyết tật của con em mình hơn cũng như tích cực hỗ trợ trẻ hòa nhập cuộc sống. Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật và làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ, do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội do tội phạm, thất nghiệp hoặc trợ cấp xã hội.
• Vai trò và trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật:
- Vai trò và trách nhiệm của gia đình: Gia đình, nhất là người mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát hiện trẻ có dấu hiệu và chăm sóc, giáo dục các trẻ bị khuyết tật: Cha mẹ và người thân của trẻ là những đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với trẻ, do đó sẽ dễ dàng nhận ra các dấu hiệu khiếm khuyết trong sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý… so với ngưỡng phát triển bình thường của trẻ cùng lứa tuổi. Trên cơ sở đó, hợp tác với cán bộ y tế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, điều trị tốt nhất cho trẻ. Gia đình còn phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi để trẻ tham gia vào các hoạt động như những trẻ bình thường khác.
          - Vai trò và trách nhiệm của xã hội: tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trẻ trong mọi hoạt động, để trẻ dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng và được hưởng những quyền lợi như những trẻ bình thường khác. Ngành Y tế, Giáo dục, Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban Nhân dân các cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với trẻ em khuyết tật.
+ Ngành Y tế đóng vai trò và trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và có các can thiệp về y tế như khám và quản lý thai nghén để phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai nhi và khám sàng lọc khuyết tật ở các lứa tuổi. Tiến hành các hoạt động trị liệu hoặc phẫu thuật chỉnh hình… nhằm đưa trẻ về với trạng thái phát triển tốt nhất có thể.
+ Ngành Giáo dục, nhất là các trường mầm non, tiểu học và các trường chuyên biệt là nơi có thể phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của trẻ trong quá trình học tập và tiếp nhận các trẻ bị khuyết tật để có các can thiệp về giáo dục như tổ chức giờ dạy, tổ chức trò chơi, giúp trẻ hòa nhập với những trẻ bình thường khác. Lãnh đạo Ngành Giáo dục phải có những chính sách để trẻ bị khuyết tật được đến trường tham gia vào môi trường học tập như những trẻ cùng lứa tuổi.
+ Ngành Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản chính sách, hướng dẫn thực hiện và tạo môi trường thuận lợi để các trẻ khuyết tật khi lớn lên được học nghề và có việc làm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thực tế hiện nay, trẻ khuyết tật, nhất là các trẻ khuyết tật nặng (thường gặp ở các trẻ nhiễm chất độc màu da cam) đang là gánh nặng của nhiều gia đình và của toàn xã hội. Trẻ thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử và rất nhiều trẻ không được đến trường. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời thì các nguy cơ về khuyết tật khi trẻ lớn lên sẽ giảm rất nhiều. Chính vì vậy, các trẻ bị khuyết tật sau sinh cần được sự hỗ trợ đặc biệt của toàn xã hội và gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng để trẻ phát triển như những trẻ bình thường.
DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ BỊ TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Tiêu chảy kéo dài thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 18 tháng tuổi. Khoảng 20% tiêu chảy cấp ở trẻ em trở thành tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy kéo dài là một đợt tiêu chảy cấp kéo dài liên tục trên 14 ngày. Tiêu chảy kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngược lại, những trẻ đã bị suy dinh dưỡng khi mắc bệnh tiêu chảy dễ bị tiêu chảy kéo dài.
Vì sao trẻ bị tiêu chảy kéo dài?
-         Tiêu chảy kéo dài là hậu quả của tình trạng rối loạn hấp thu do tình trạng tổn thương niêm mạc ruột tiếp tục và sự hồi phục niêm mạc ruột bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân gây ra.
-         Do khả năng đào thải vi khuẩn giảm, các loại vi khuẩn xâm nhập hoặc bám dính liên tục làm  tổn thương các lớp tế bào hấp thu bề mặc niêm mạc ruột, đặc biệt là men lactase gây tình trạng kém hấp thu lactose.
-         Chế độ ăn có nhiều chất đường làm tăng thẩm thấu cũng như các protein động vật chưa được tiêu hóa hết có thể hấp thu qua niêm mạc ruột bị tổn thương, làm tổn thương nặng thêm và kích thích cơ thể sinh các kháng thể gây dị ứng thức ăn và tổn thương niêm mạc ruột.
-         Do thiểu năng hấp thu muối mật ở ruột non, các vi khuẩn tăng sinh làm phân hủy muối mật, gây thiểu năng hấp thu các chất béo và lượng lớn muối mật không được hấp thu xuống đại tràng gây tiết dịch.

Những nguyên nhân nào dẫn đến trẻ bị tiêu chảy kéo dài?
- Do chế độ ăn: trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; trẻ không dung nạp lactose hoặc dị ứng với protein từ sữa động vật; bị nhiễm khuẩn từ thức ăn ôi thiu; ăn uống nhiều chất đạm, chất bột đường.
- Do điều trị đợt tiêu chảy cấp không đúng: sử dụng kháng sinh không đúng, kéo dài gây tổn thương niêm mạc ruột, gây loạn khuẩn; sử dụng các thuốc cầm đại tiện làm giảm khả năng đào thải vi khuẩn; hạn chế ăn uống, ăn kiêng kéo dài khi trẻ bị tiêu chảy cấp.
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị tiêu chảy kéo dài?
- Trẻ bị tiêu chảy kéo dài thường có các dấu hiệu như:
+ Số lần đi ngoài khi giảm, khi tăng, khi đi ngoài phải rặn.
+ Phân trẻ có lúc lỏng, lúc đặc, lổn nhổn, có mùi chua, màu vàng hoặc xanh, có bọt. Phân cũng có thể nhầy hồng hoặc có máu.
+ Trẻ biếng ăn, khó tiêu, ăn thức ăn lạ dễ bị tiêu chảy trở lại.
- Bên cạnh đó, trẻ còn có các biểu hiện toàn thân như:
+ Trẻ sút cân, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng nếu trẻ tiêu chảy kéo dài quá lâu.
+ Thiếu các loại vitamin nhóm tan trong dầu (A, D, E, K), làm cho trẻ bị khô mắt, còi xương, xuất huyết.
+ Thiếu các yếu tố vi lượng, muối khoáng như: kẽm, kali, phospho.v.v…
Vậy chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài được thực hiện như thế nào?
Tiêu chảy kéo dài được xem như một bệnh về dinh dưỡng và có liên quan chặt chẽ với tình trạng suy dinh dưỡng, cũng là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài cần phải đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm của các niêm mạc ruột bị tổn thương, trẻ không những không bị sút cân mà còn tăng cân ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy.
* Nguyên tắc khi xây dựng:
1.     Giảm tạm thời số lượng sữa động vật hoặc đường lactose trong sữa.
2.     Cung cấp đầy đủ nặng lượng, protein, vitamin và các yếu tố vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn thân.
3.     Không cho trẻ ăn các loại thức ăn, nước uống làm tăng thêm tiêu chảy như: thức ăn thô, thức ăn chứa nhiều đường, chất béo, các loại nước giải khát công nghiệp.
4.     Dùng các loại thức ăn sẵn có như gạo, khoai, chế biến dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hóa như bột, cháo, súp.
5.     Chọn các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa...
6.     Uống và ăn thêm quả tươi để cung cấp các vitamin và muối khoáng.
* Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi:
-         Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần, mẹ không nên ăn kiêng.
-         Nếu mẹ không có sữa: Dùng các loại sữa không có đường lactose, hoặc các loại sữa đã lên men: sữa chua hoặc dùng sữa đậu tương (đậu nành). Sữa chua phải được làm từ loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
* Đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi:
-         Tiếp tục bú mẹ.
-         Pha sữa động vật bằng nước cháo làm giảm 5% nồng độ đường lactose hoặc cho trẻ ăn sữa chua, sữa đậu tương.
-         Đảm bảo thức ăn bổ sung như bột, cháo xay nấu với thịt, cá, trứng, rau xanh và dầu mỡ. Khi chế biến, đảm bảo độ nhớt giảm, dễ tiêu hóa, cân đối đạm, mỡ, đường, tránh tăng áp lực thẩm thấu.
-         Cho ăn nhiều bữa trong ngày (ít nhất 6 bữa).
* Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên:
-         Bú mẹ và ăn thêm sữa động vật.
-         Chế biến thức ăn dưới dạng cháo, súp từ gạo, khoai, rau, đậu đỗ.
-         Đảm bảo 50% năng lượng từ các thức ăn dặm, còn 50% từ sữa hoặc sản phẩm sữa, đảm bảo năng lượng 110kcal/kg/24giờ.
-         Khi tiêu chảy khỏi được 1 tuần thì mới chuyển dần về chế độ ăn bình thường theo tuổi.
Sau đây là một số thực đơn cho trẻ khi bị tiêu chảy kéo dài do Ths.Lê Thị Hải - Viện dinh dưỡng Quốc gia xây dựng. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo để chăm sóc con được tốt hơn trong thời kỳ bé bị tiêu chảy:
* Thực đơn cho trẻ 6 - 12 tháng tuổi:

Giờ
Ngày thứ 2 - 4

Ngày thứ 3-5-7
Thứ 6 - CN
6h
Bú mẹ hoặc sữa bò   
pha nước cháo 200ml

Bú mẹ hoặc sữa bò pha
nước  cháo hoặc sữa
đậu nành 200ml
Bú mẹ hoặc  sữa bò hoặc sữa đậu nành 200ml
9h
Cháo thịt gà 200ml
Bột thịt lợn nạc 200ml
Bột trứng 200ml
12h
Sữa chua 150ml 
Sữa chua 150ml
Sữa chua 150ml
16h
Bột cá 200ml
Bột tôm 200ml
Bột thịt gà 200ml
17h
Bú mẹ hoặc sữa bò,
sữa đậu nành 200ml 
Bú mẹ hoặc sữa bò
200ml
Bú mẹ hoặc sữa bò
200ml
20h
Bột thịt nạc 200ml
Hồng xiêm 1/2 quả
Bột thịt gà 200ml
Hồng xiêm 1/2 quả
Bột cá 200ml
Đu đủ 100g

Ghi chú:
- Nếu trẻ ăn không hết 200ml/ bữa thì chia đôi và tăng thêm số bữa.
- Cho trẻ ăn loại sữa không có lactose hoặc sữa đậu nành khi mẹ không có sữa.
* Thực đơn cho trẻ từ 1 tuổi trở lên:

Giờ
Ngày thứ 2 - 4

Ngày thứ 3-5-7
Thứ 6 - CN
6h
Cháo thịt gà 200ml
Cháo thịt lợn nạc
200ml
Cháo trứng 200ml
9h
- Sữa pha nước cháo
200ml (hoặc sữa đậu
nành)
- Chuối tiêu 1 quả 
- Sữa pha nước cháo
hoặc sữa đậu nành
200ml
- Hồng xiêm 1 quả
- Sữa pha nước cháo
hoặc sữa đậu nành 200ml
- Đu đủ 200g
12h
Súp khoai (khoai tây,
cà rốt, đậu Hà Lan,
Trứng gà...)
Súp đậu xanh, bí đỏ

Súp thịt bò 200ml

15h
Giống bữa 9h

Giống bữa 9h
Giống bữa 9h
18h
Cháo cá 200ml
Cháo thịt gà 200ml
Cháo tôm 200ml
20h
Sữa 200ml,
 đu đủ 100g
Sữa 200ml
Táo nghiền 100g
Sữa 200ml
Hồng xiêm 100g


Cha mẹ nên lưu ý:
-   Áp dụng thực đơn này đến khi trẻ hết đi tiêu chảy 1 tuần thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi.
-   Nếu trẻ đang bú mẹ: ngoài các bữa cháo, súp thì nên cho trẻ bú mẹ nhiều hơn bình thường, mẹ không phải kiêng khem trong ăn uống (chỉ kiêng ăn thức ăn có nhiều đường nếu như trẻ đi ngoài phân bọt và nhầy, có mùi chua).
-   Nếu ăn sữa bò mà số lần đi cầu của trẻ tăng lên thì chỉ cho trẻ ăn sữa chua hoặc sữa đậu nành hoặc dùng loại sữa không có lactose.
-   Các loại súp đều phải xay nát hoặc nghiền nhỏ để trẻ dễ tiêu hoá và hấp thu hơn.
CN. Nguyễn Hữu Quý