Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHI DÙNG THUỐC ĐÔNG Y DƯỚI HÌNH THỨC SẮC UỐNG

Từ trước đến nay, người dân thường thích sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc Bắc trong điều trị bệnh. Thật ra,, các loại thuốc này nếu không biết cách sử dụng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng cũng như sức khỏe. Sau đây là một số vấn đề lưu ý khi sử dụng thuốc Đông Y dưới dạng thuốc sắc.
1.     Nên uống nóng, uống ấm hay uống lạnh?
Thường thì  khi sắc thuốc xong, chắt (gạn) thuốc ra bát, đợi một lát để thuốc nguội đến độ vừa phải, không nóng không lạnh rồi uống, như vậy gọi là uống ấm. Cách uống này hay được sử dụng hơn cả vì rất hợp lý. Nhưng với những bệnh nhân bị chứng hàn như cảm mạo, phong hàn, đau bụng đi ngoài do lạnh… muốn gia tăng tác dụng của thuốc, người bệnh phải uống nóng. Ngược lại, với những bệnh nhân bị chứng nhiệt như sốt cao, môi khô, họng khát, miệng lỡ loét, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ… thì đợi thuốc thật nguội mới uống nhằm mục đích tăng cường hiệu quả thanh nhiệt của dược liệu. Các vị thuốc cần uống ấm thường có dược tính đối ôn hòa, khi sắc để lửa nhỏ. Các vị thuốc cần phải uống nóng thường có dược tính ôn nhiệt, khi sắc để lửa to, sắc nhanh. Các vị thuốc cần phải uống lạnh thường có dược tính hàn lương, khi sắc thời gian kéo dài một chút. Tóm lại, khi uống thuốc cần phải căn cứ vào tình trạng bệnh lý cụ thể và tính chất của dược liệu để lựa chọn cách uống cho phù hợp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trị liệu và dự phòng các phản ứng không mong muốn.
2.     Nên uống vào lúc nào?
Thuốc có hiệu quả hay không ngoài việc dùng thuốc đúng bệnh, sắc đúng cách còn phụ thuộc vào thời gian uống thuốc có hợp lý hay không. Để hấp thu tốt và phát huy tác dụng cao nhất, thuốc bổ nên uống vào sáng sớm khi chưa ăn sáng, các thuốc có tác dụng kiên vị, tả hạ, khu trùng (trừ giun) nên uống lúc bụng đói, trước khi ăn; Các thuốc tiêu thực và có phản ứng kích ứng dạ dày nên uống sau bữa ăn; Các thuốc thăng đề và ôn dương bổ khí nên uống vào thời gian từ sáng sớm đến trước giữa trưa; Các thuốc tư âm, dưỡng huyết, thuốc thanh tả phục hỏa ở âm phân nên uống vào buổi tối, các thuốc trừ tà nên uống vào sáng sớm.
3.     Làm gì để hạn chế cảm giác buồn nôn khi uống thuốc?
Thuốc sắc có một hạn chế là thường rất khó uống, lại phải uống với một lượng lớn nên hay gây cảm giác buồn nôn, có người nôn ngay sau khi vừa uống thuốc xong, đặc biệt khi uống các thuốc thanh nhiệt, giải độc thường có vị đắng. Thêm nữa, trong khi thần kinh đang căng thẳng lại nhắm mắt bịt mũi cố uống một hơi cho hết bát thuốc, kết quả là nôn ra toàn bộ, vừa mệt sức vừa phí thuốc. Để hạn chế tình trạng này, trước tiên phải bình tĩnh, thư giãn thần kinh, không nóng vội, chú ý độ ấm của thuốc và cách uống trước hay sau bữa ăn rồi uống một ngụm nhỏ, ngậm trong miệng một lát để tạo cảm giác thích ứng, sau đó từ từ nuốt xuống. Khi uống hết  nên dùng một chút nước ấm tráng miệng. Đối với các thuốc có tính ôn nhiệt, có thể hòa thêm vào bát thuốc một ít nước gừng tươi cũng có thể đem  lại hiệu quả chống nôn ở một mức độ nhất định.
4.     Có nên uống Đông dược và Tân dược cùng một lúc hay không?
Tốt nhất là nên uống cách xa nhau. Ví dụ: các loại thuốc kháng sinh đều có tác dụng ức chế vi khuẩn và hệ thống men trong cơ thể thì không thể uống cùng với các thuốc Đông y có chứa các vi sinh vật và men như thần khúc, vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Các loại thuốc có nguồn gốc từ Alcaloid của Tây y như: Atropin, Cafein, Theophylin, Stricnin, Corticoid… không thể uống cùng các thuốc y học cổ truyền như ô dầu, mã tiền, hoàng liên… vì có thể làm tăng độc tính dẫn đến tình trạng ngộ độc. Các vị thuốc như đào nhân, hạnh nhân không nên cho uống cùng với các tân dược nhóm an thần, gây mê, gây tê vì có thể ức chế trung tâm hô hấp và rối loạn chức năng gan. Các thuốc tim mạch thuộc nhóm Digitalis không được uống với các dược liệu như Trúc đào, Vạn niên thanh vì có thể gây rối loạn nhịp tim. Các thuốc thuộc nhóm Sulfanilamid không nên uống cùng với các dược liệu có chứa acid hữu cơ như Bồ Công anh, Xuyên Khung, Ngũ vị tử, Ô mai…vì có thể gây sỏi đường tiết niệu và chứng đái ra máu. Kháng sinh thuộc nhóm Tetracyline không nên uống cùng một lúc với các thuốc chứa nhiều Canxi, Magie và Nhôm như Thạch Cao, Mẫu lệ… vì sẽ làm giảm hiệu lực của Tetracyline, hình thành các hợp chất kim loại bền vững ở đường ruột làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tiêu hóa thức ăn.
5.     Khi uống thuốc nên kiêng cử ăn uống như thế nào?
Theo Y học cổ truyền, thức ăn cũng là vị thuốc, cho nên nếu ăn uống không hợp lý thì có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc và sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, không phải cứ dùng thuốc Đông y là phải kiêng tôm, cua, ốc, thịt gà, rau muống… như nhiều người nhầm tưởng. Trên thực tế, việc kiêng cử ăn uống tùy thuộc vào 2 yếu tố: một là các món ăn kỵ với các vị thuốc đang uống, ví dụ Bạch Linh kỵ dấm, Miết giáp kỵ bạc hà…; hai là các thức ăn chống lại các tác dụng của thuốc, ví dụ đang uống thuốc trị chứng hàn phải kiêng các thức ăn mát lạnh. Như vậy việc kiêng c ăn uống khi dùng thuốc phải theo chỉ định của thầy thuốc.
Trên đây là một số điểm cần chú ý khi dùng thuốc Đông y, đặc biệt là thuốc dùng dưới dạng sắc uống. Tốt nhất quí vị và các bạn nên theo đúng những chỉ dẫn của thầy thuốc. Có như vậy mới bảo đảm phát huy hết công dụng của thuốc và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét