Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

50 NĂM CÔNG TÁC DÂN SỐ KHHGĐ

Năm 1961, khi dân số nước ta mới khoảng 30 triệu người, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 về sinh đẻ có hướng dẫn cho nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Quyết định 216/CP được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ, mang đậm tính nhân văn "Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp". Để kỷ niệm và đánh dấu sự kiện này, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326, lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, có thể thấy công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là hiệu quả, tác động tích cực của công tác này đối với sự phát triển của đất nước. Công tác DS-KHHGĐ thực sự đã trở thành vấn đề trọng tâm của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta sớm ý thức được vấn đề, đã có chủ trương và nhiều biện pháp thực hiện với sự nhất quán trong một quá trình dài chứng tỏ tính đúng đắn của một chính sách. Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực DS – KHHGĐ qua 50 năm qua là: tỷ suất sinh giảm 2,03 con, tỷ suất sinh thô còn  17,60/00, tỷ lệ tăng dân số ở mức 1,1%. Năm 2005, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ tăng dân số đạt thấp nhất trong 50 năm qua. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, trung bình mỗi năm dân số nước ta tăng thêm 953 ngàn người, thấp hơn nhiều so với các thập kỷ trước đây. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày năm 2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người, tuổi thọ bình quân đã đạt 72,8 tuổi, tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người tăng hơn 2 lần, chỉ số phát triển con người (HDI) 0,725 điểm.
Đánh dấu chặng đường lịch sử 50 năm của Ngành dân số, mỗi một giai đoạn, công tác DS-KHHGĐ đều có những khó khăn, thách thức riêng. Song, vượt qua những thăng trầm, thách thức và có được thành tựu như hôm nay, thời kỳ nào, công tác dân số cũng đều nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, tổ chức thực hiện đúng với tầm quan trọng của nó và đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Quy mô gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi thay cho nhận thức “con đàn cháu đống” trước đây; hiểu biết và thực hành về KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt; Các hoạt động truyền thông, vận động góp phần thúc đẩy việc xây dựng chính sách, huy động nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác DS – KHHGĐ; Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, người chưa kết hôn chấp nhận chuyển đổi hành vi có lợi ngày càng nhiều hơn và mang tính bền vững; Các biện pháp tránh thai hiện đại đã được các nhóm đối tượng ưu tiên lựa chọn và sử dụng mang tính phổ cập theo thời gian.
Theo Tổng điều tra dân số năm 2009, Đà Nẵng có 887,069 người, mật độ dân số 691,2 người/km2, xếp thứ 43 về dân số, thứ 13 về mật độ dân số và là địa phương có dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất trong cả nước.
Dân số thành phố Đà Nẵng luôn tăng. So với kết quả Tổng điều tra năm 2009 thì trong vòng 10 năm dân số thành phố Đà Nẵng đã tăng 1,3 lần. Tính bình quân là 20,2 nghìn người mỗi năm; tương đương với tốc độ bình quân hàng năm là 2,62%. Mỗi năm thành phố Đà Nẵng tăng cơ học khoảng 1 vạn người. Nếu không có những tác động đột biến trong tương lai thì tốc độ tăng trưởng dân số như những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng sẽ đạt 1 triệu dân vào đầu năm 2014 và 1,1 triệu dân vào đầu năm 2018.
Năm 2010, công tác DS – KHHGĐ của thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả như: Tỷ suất sinh thô 15,200/00; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên1,22 %; Tỷ lệ số người chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiên đại là 75,49 %; Quy mô dân số năm 2009 của thành phố là 887.100 người; Tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi; Tỷ lệ nạo hút thai 50,9%; Tỷ suất chết mẹ  7,43/100.000 ca sinh; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 9,9%; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo  56,56 %.
Đà Nẵng có tốc độ đô thị hoá cao, dân số Đà Nẵng cũng tăng nhanh trong những năm qua. Nguyên nhân chính là do tỷ suất sinh và chết giảm, trong khi tỷ lệ di cư đến cao. Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ đã đạt được mức sinh thay thế và giữ vững mức sinh thấp trong nhiều năm qua. Tỷ lệ người làm công tác dân số đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao.
Để hưởng ứng Tháng hành động Dân số và Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, Chi cục DS - KHHGĐ đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn về Mất cân bằng giới tính khi sinh; Tổ chức truyền thông tại 12 Trường phổ thông trung học về Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân; Tổ chức tọa đàm về Công tác DS - KHHGĐ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2020 - Định hướng và giải pháp. Bên cạnh đó, Trung tâm Dân số của các quận/ huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới những ngày trọng đại của Ngành, cùng nhau nhìn lại một chặng đường sôi động của công tác dân số cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, để tiếp tục hướng lên phía trước, hoàn thành tốt mục tiêu “dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét