Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

            Ngộ độc thực phẩm cấp tính do độc tố tự nhiên (ĐTTN) là ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do ăn phải thực phẩm có chứa sẵn ĐTTN. Theo thống kê của Cục ATVSTP- Bộ Y tế, NĐTP do ĐTTN chiếm 20 – 25% tổng số vụ NĐTP/năm, thường xảy ra ở quy mô hộ gia đình, số người mắc ít (< 30 người/vụ) nhưng thường gây hậu quả nặng nề do dễ gây ra chết người so với NĐTP do nhiễm vi sinh. Các ĐTTN không bị phân hủy bởi nhiệt độ, có thể tồn tại trong suốt quá trình chế biến, nấu nướng thành thực phẩm và gây ngộ độc cho người ăn phải thực phẩm đó.
I/ Nguyên nhân ngộ độc do độc tố tự nhiên:
NĐTP do độc tố tự nhiên xảy ra ở quy mô hộ gia đình (<3 người) hoặc cá nhân lẻ tẻ, chủ yếu xảy ra ở các địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu thực phẩm chứa ĐTTN. Hoàn cảnh xảy ra NĐTP do ĐTTN chủ yếu là do chủ động sử dụng nguyên liệu thực phẩm chứa ĐTTN để chế biến ăn uống. Lý do:
- Do chủ quan của người ăn (ăn cá nóc, thịt cóc), cho rằng thịt cá nóc có mùi vị thơm ngon và bổ, không phải loại cá nóc nào cũng có độc, còn thịt cóc thì thơm ngon và chữa được bệnh còi xương, suy dinh dưỡng;
- Do nhận thức, hành vi đúng về an toàn thực phẩm của người dân chưa cao;
- Người đánh bắt thủy hải sản vẫn khai thác thủy hải sản chứa ĐTTN để chế biến, kinh doanh và sử dụng làm thực phẩm như: cá nóc , so biển, sam biển…;
- Người dân khai thác, kinh doanh và sử dụng nấm không phân biệt được nấm độc và nấm không độc;
- Tình hình kinh doanh thực phẩm chứa ĐTTN như thịt cóc, cá nóc, sam biển, so biển vẫn còn.
Các nhóm độc tố tự nhiên thường gây ra NĐTP gồm:
- Độc tố vi nấm: Do bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến thực phẩm bị mốc (nấm mốc) và sinh ra độc tố Aflatoxin (của nấm aspergillus flavus, aspergillus parasiticus), có trong bắp, đậu, cùi dừa khô gây ung thư gan. Độc tố Ochratoxin (của nấm aspergillus ochraccus, nấm penecillium viridicatum), có trong ngũ cốc (bắp, lúa mì, gạo, lạc, đậu, hạt cà phê) có khả năng gây ung thư.
- Động vật có độc chất:
+ Độc tố của cóc: Con cóc có độc tố là bufotoxin, catecholamin và indolealkylamin. Các độc tố này thường có ở trong gan, trứng, da cóc. Sau khi ăn từ 30 phút – 2 giờ các độc tố này gây ra các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim nặng, suy hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong sau 3 – 4 giờ nếu không được cứu chữa kịp thời. Thống kê trên cả nước từ năm 2007 đến tháng 3/2011 cho thấy, có 14 vụ ngộ độc do ăn thịt Cóc, 41 người mắc, 35 người đi viện và 10 người tử vong
+ Độc tố cá Nóc:  (độc tố tetrodotoxin) Ngộ độc xảy ra chủ yếu do ngư dân đánh bắt được cá Nóc thì chế biến ăn ngay trên biển hoặc đem về chế biến cho gia đình cùng ăn. Sau khi ăn thịt cá Nóc có độc tố thì khoảng 10-15 phút sau xuất hiện triệu chứng tê lưỡi, họng, môi, mặt, yếu vận động các chi, khó thở, tụt huyết áp và ngừng thở dẫn đến tử vong. Cả nước từ năm 2007-3/2011 có 27 vụ ngộ độc cá Nóc, 80 người mắc, 22 người chết. Riêng thành phố Đà Nẵng từ năm 2000-2010 xảy ra 11 vụ, 45 người mắc và 02 người tử vong (quận Sơn Trà chiếm 08 vụ).
+ Độc tố Bạch tuộc đám xanh, con So biển, Sam biển, Cua biển độc (cua mặt quỷ), Ốc biển (ốc cối hoa lưới): đều có độc tố là Tetrodotoxin. Độc tố không bị phân hủy bởi nhiệt độ, khi bị ngộ độc có triệu chứng giống như ngộ độc do cá nóc. Cả nước từ năm 2007-3/2011 xảy ra 09 vụ ngộ độc do Sam biển, có 24 người mắc và 11 người tử vong.
+ Mật cá Trắm: Thường gặp nhất là loại cá to. Mật cá Trắm có độc tố 5α cyprinol, chất này gây suy gan và suy thận cấp. Triệu chứng xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn mật cá Trắm, người bệnh khó chịu, đau bụng, buồn nôn, hoặc tiêu chảy, đái ít dần rồi vô niệu, phù chân, tăng huyết áp, vàng da nhẹ có thể dẫn tới suy thận, suy gan và tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
- Thực vật có sẵn độc tố:
+ Nấm độc: Các loại nấm độc Amanita Phalloides, A.ocreata, A.verna, Amanita Muscaria, nấm đỏ hay nấm mặt trời... (chứa độc tố muscarine). Sau khi ăn khoảng 6 giờ - 48 giờ có triệu chứng buồn nôn, nôn, cơn đau quặn bụng, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu vàng sẫm, vàng mắt, suy gan cấp, suy thận cấp, nguy cơ tử vong rất cao. Từ năm 2003-2010 tại Tây Nguyên đã xảy ra 16 vụ ngộ độc do ăn nấm độc, từ năm 2006-2010 tại tỉnh Điện Biên đã xảy ra 171 vụ ngộ độc do nấm, chiếm 75,7% so với các vụ ngộ độc khác.
+ Ngoài ra còn rất nhiều loại thực vật có sẵn độc tố như: Khoai tây mọc mầm, Đậu mèo (chứa độc tố solanin), Măng tươi, Sắn chứa độc tố acid cyanhydric. Sau khi ăn măng tươi, sắn độc vài giờ thì xuất hiện triệu chứng ngạt thở, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, co giật, hôn mê, tụt huyết áp nguy cơ tử vong cao.
II. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm có ĐTTN:
          Để phòng ngừa NĐTP và tử vong do ăn phải thực phẩm có ĐTTN, mọi người cần hết sức cẩn thận để lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn bằng cách:
          1. Không ăn cá Nóc, Bạch tuột đám xanh, Sam biển dưới bất kỳ hình thức chế biến nào (đun sôi, cá khô, sấy, làm mắm);
          2. Không ăn các loại nấm rừng, nấm lạ chưa biết rõ nguồn gốc;
          3. Không uống, không ăn mật cá trắm;
          4. Không ăn thịt Cóc;
          5. Măng tươi muốn ăn phải ngâm nước, luộc sôi ít nhất 02 lần, không đậy nắp trong quá trình luộc sau đó mới chế biến thành các món ăn. Sắn phải bóc vỏ, cắt bỏ 2 đầu và ngâm lâu trong nước trước khi luộc hay nướng;
          6. Không ăn Khoai tây khi đã mọc mầm, không ăn các loại thực phẩm khi bị mốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét