Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN LAO/HIV TẠI NHÀ

       Bệnh Lao/HIV là một cụm từ dùng để chỉ một người vừa mắc bệnh Lao vừa bị nhiễm HIV. Người nhiễm HIV thì nguy cơ mắc bệnh Lao rất cao, đặc biệt là nếu người đó đã bị nhiễm Lao từ trước. Người bệnh Lao/HIV ngoài được uống thuốc điều trị Lao và HIV theo chương trình, họ còn cần đến sự chăm sóc và hỗ trợ rất nhiều từ phía gia đình, người thân. Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, họ vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Việc chăm sóc bệnh nhân ở nhà không những giúp tránh nguy cơ nhiễm trùng chéo có thể gặp ở bệnh viện, giảm chi phí điều trị và đi lại mà còn làm cho bệnh nhân cảm thấy được chia sẻ, gần gũi và bớt đi sự kỳ thị của cộng đồng. Người nhà và bệnh nhân cần thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ để việc chăm sóc được an toàn và hiệu quả.
- Về tâm lý: Bệnh nhân Lao/HIV vừa mang trong mình cùng lúc 2 căn bệnh, vừa bị cộng đồng kỳ thị nên rất chán nản, mặc cảm và có những tâm lý tiêu cực. Do đó, bên cạnh sự chăm sóc tận tình của nhân viên y tế, thì sự cảm thông của gia đình và những người xung quanh là liều thuốc tinh thần rất tốt để bệnh nhân tích cực chữa bệnh và mau chóng hồi phục. Đơn giản chỉ là một câu hỏi thăm, một nụ cười hay cái vỗ vai động viên cũng làm ấm lòng họ rất nhiều.
- Dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và sức đề kháng với bệnh tật, do đó làm tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc và dự phòng tái nhiễm. Người bệnh cần tăng lượng thức ăn đưa vào với đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng là bột, đạm, béo, vitamin và muối khoáng. Các loại rau quả, khoai lang, sữa chua rất tốt cho người mắc bệnh Lao, do thuốc điều trị Lao rất dễ gây rối loạn tiêu hóa. Nếu người bệnh chán ăn, buồn nôn thì cho ăn, uống từng ít một và chia thành nhiều bữa. Tránh ăn rau sống vì dễ gây nhiễm trùng. Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, cần sử dụng thức ăn mềm, nghiền nát. Nên uống nhiều nước. Tuyệt đối không dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì những chất này làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.
- Uống thuốc đúng, đều và đủ: Người bệnh phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị Lao (DOTS) và điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) mà các cơ sở y tế cung cấp và hướng dẫn. Bệnh nhân và người nhà không được tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị.
           - Phòng lây nhiễm cho cộng đồng:
+ Ở trong nhà thoáng mát để không khí được lưu thông, hạn chế lây lan.
+ Ho khạc: Trong 8 tháng đầu khi đang trong giai đoạn điều trị bệnh Lao theo chiến lược DOTS, bệnh nhân phải đeo khẩu trang, dùng tay hoặc khuỷu tay che miệng khi ho và nên sử dụng khăn giấy để che lại. Nên khạc đờm vào khăn giấy hoặc ống bơ rồi đốt hoặc nấu lên để vi khuẩn bị tiêu diệt.
+ Dùng riêng các vật dụng cá nhân như: khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bơm kim tiêm, vật cắt móng tay chân…
+ Quần áo, đồ vải dính máu của người bệnh phải được ngâm nước Javen 0,1-0,5% trong 30 phút rồi giặt lại bằng xà phòng và đem phơi khô; Nếu dính các chất đặc như chất nôn, phân thì phải giũ nước cho sạch bớt trước khi ngâm Javen và giặt lại bằng xà phòng. Với các loại rác có máu (giấy, bông, băng gạc, kim tiêm...), cần cho vào 2 lần túi nylon, buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác.
+ Nếu máu và chất tiết của người bệnh rơi vãi ra ngoài, dùng giấy hoặc vải hút nước lau sạch, sau đó lau nơi vấy bẩn bằng nước xà phòng rồi lau lại bằng nước Javen hoặc cồn 700.
+ Người thân trong gia đình nên mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hay giặt đồ cho bệnh nhân.
+ Nếu người lành chăm sóc bị dính máu, dịch tiết của bệnh nhân thì phải rửa sạch ngay bằng nước xà phòng, sau đó dùng cồn 700 sát trùng lại. Khi bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân Lao/HIV (như kim tiêm, dao cạo) làm bị thương, cần nặn ngay máu ra, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 700. Sau đó, phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị dự phòng.
+ Trong quan hệ tình dục với người bệnh, phải luôn sử dụng bao cao su. Những biểu hiện tình cảm khác như vuốt ve, nắm tay... không làm lây bệnh.
- Những triệu chứng đơn giản có thể điều trị tại nhà:
+ Sốt: (Trên 370 C)
Cởi bớt quần áo, để bệnh nhân ở nơi thoáng mát. Đặt khăn lạnh lên trán, nách, bẹn. Cho bệnh nhân uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, uống Vitamin C. Nếu sốt từ 380 C trở lên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. 
+ Tiêu chảy: Bù nước và điện giải bằng cách cho uống dung dịch ORESOL, nước muối đường (08 muỗng cà phê gạt đường + 01 muỗng cà phê gạt muối pha trong 1 lít nước chín),  nước hoa quả
+ Lở loét: Khuyến khích bệnh nhân ra khỏi giường càng nhiều càng tốt. Với bệnh nhân phải nằm tại giường hoặc liệt, cần chú ý thay đổi tư thế. Rửa vết loét bằng nước đun sôi để nguội có pha một ít muối hoặc pha thuốc tím Gantian. Che phủ vùng tổn thương bằng băng gạc sạch sau khi rửa. Đối với người chăm sóc vết thương cần phải rửa sạch tay bằng xà bông nhiều lần trước và sau khi chăm sóc vết thương, mang găng tay. Găng tay và gạc bẩn phải bỏ vào túi ni lông, cột chặt trước khi vứt rác.
* Chú ý: Khi bệnh nhân có những dấu hiệu như: sốt cao, khó thở, ho ra máu, suy kiệt nặng, tiêu chảy nhiều,… người nhà cần đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế để được các bác sĩ theo dõi và điều trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét