Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ EM

Bệnh Tay - Chân - Miệng đa số tập trung vào đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, đây là lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh Tay - Chân - Miệng dễ lây lan thành dịch và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng.
Bệnh thường được đặc trưng bởi dấu hiệu nổi ban có bọng nước. Ban thường xuất hiện ở các vị trí tay, chân và miệng nên bệnh còn được gọi là hội chứng Chân-Tay-Miệng. Bệnh còn kèm theo sốt và đau họng. Tuy nhiên ban có thể xuất hiện ở mông, một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác. Đây là bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em
1. Đường lây truyền bệnh Tay-Chân-Miệng:
Nguyên nhân gây bệnh Tay-Chân-Miệng là vi rút thuộc nhóm enteroviruses (vi rút đường ruột). Loại vi rút thường gặp là Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 (vi rút  EV71). Bệnh thường lây truyền bằng đường “phân – miệng” vì vi rút  này chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa, có thể trực tiếp từ phân người bệnh đến miệng người khác qua ăn uống hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn... bị nhiễm phân người bệnh. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp được ghi nhận lây bệnh qua đường hô hấp.
2. Biểu hiện của bệnh Tay-Chân-Miệng:
Biểu hiện đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và  thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban ở da xuất hiện  trong vòng 1 đến 2 ngày có màu đỏ và  một số thành bọng nước. Ban này không ngứa và  thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
3. Diễn biến của bệnh Tay-Chân -Miệng:
Nếu bệnh do các vi rút Coxsackievirus A16 là một vi rút lành tính gây ra, thì sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, vi rút không nhân lên nữa, bóng nước tự xẹp đi, bệnh  có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, cơ thể xuất hiện  kháng thể và hiện tượng tượng nhiễm vi rút chấm dứt. Nhưng nếu bệnh do vi rút  EV71 gây ra thì ở một số trường hợp, vi rút từ da, niêm mạc xâm nhập hệ thần kinh Trung Ương, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, ly bì, mê sảng hay co giật, có nhiều trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Bệnh nhi có thể tử vong do viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết hoặc phục hồi sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.
4. Những điều cần lưu ý để phát hiện sớm bệnh Tay-Chân-Miệng:
Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt, quấy khóc, đi ngoài phân lỏng, chán ăn nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị đúng cách. Bệnh dễ bị lầm với một số bệnh khác như Thủy đậu, dị ứng, nhiễm trùng da... Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt kèm theo nổi bọng nước trên da thì nên đưa ngay trẻ đến các cơ sở Y tế để được khám phân biệt và điều trị kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh.
5. Điều Trị bệnh Tay-Chân-Miệng:
Hiện nay, bệnh Tay-Chân-Miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học và không cho tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây lan bệnh. Với những trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ chỉ cần hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà và bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, cá nhân cho trẻ thật tốt. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Không cần kiêng gió và ánh sáng. Trẻ mắc bệnh Tay-Chân-Miệng  thường khỏi trong vòng 1 tuần nếu được điều trị  hỗ trợ đúng cách. Nếu không được điều trị  đúng cách hoặc diễn tiến nặng, bệnh có thể gây những biến chứng rất nặng.
6. Phòng bệnh Tay-Chân-Miệng:
            Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh Tay-Chân-Miệng, nên cách phòng bệnh tốt nhất là:
- Bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước.
- Rửa tay sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc don dẹp các vật dụng có phân trẻ bị mắc bệnh Tay-Chân-Miệng. 
- Người bị bệnh Tay-Chân-Miệng nên che miệng khi ho và hắt hơi.
- Nên thường xuyên rửa đồ chơi của trẻ.
- Cho nghỉ tại nhà những trẻ có biểu hiện sốt hoặc có biểu hiện loét miệng hoặc trẻ chảy nước bọt nhiều.
- Tránh các tiếp xúc thân mật với người bệnh như hôn, vuốt ve, dùng chung dụng cụ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét