Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

DẤU HIỆU VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

         Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch đe doạ sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng.
       Những dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết là: 
- Người bệnh sốt cao 39-40 độ C , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.
- Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. 
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu, người bệnh mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít.
      Làm gì khi nghi ngờ bị Sốt xuất huyết? 
- Đưa ngay người bệnh đến cơ sở Y tế để được khám và điều trị kịp thời. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau: 
- Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa…
- Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước Oresol (nước biển khô, cách pha: 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường…
- Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.
- Không được uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lễ hay cạo gió.
      Cách phòng bệnh sốt xuất huyết? 
- Mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt.
- Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
- Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi.

PHÁT HIỆN SỚM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG

Phát hiện sớm sốt xuất huyết tại cộng đồng
  1. Bệnh Sốt xuất huyết là gì?
 Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, cấp tính gây dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào những thời điểm giao mùa hàng năm, thời tiết mưa nắng thất thường. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển Miền Trung.
  Khoa học đã chứng chứng minh bệnh sốt huyết do một loại muỗi vằn có tên là Aedes Aegypti truyền từ người nầy qua người khác. Muỗi nầy thường sống gần nơi sinh hoạt của người, sống ở trong nhà và nó hoạt động chủ yếu vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
2. Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?
 Bất cứ ai cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết, nhất là những người sống trong vùng có dịch. Trẻ em từ 1-15 tuổi thường dễ mắc bệnh và nặng hơn so với người lớn. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có tốc độ lan truyền nhanh và có thể xảy ra thành dịch lớn, làm nhiều người mắc cùng lúc, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tử vong, đặc biệt là trẻ em.
3.Vậy người mắc bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện gì?
Trước hết là hiện tượng sốt cao, đột ngột, từ 39 độ trở lên, và liên tục, dai dẵng trong thời gian từ 2 đến 7 ngày liền, khó hạ sốt, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu.
Thứ hai, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nhìn thấy được như: những chấm xuất huyết, điểm xuất huyết hay mãng xuất huyết dưới da, người bệnh bị chảy máu mũi, chảy máu lợi hoặc răng, người bệnh nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu.
Thứ 3, bệnh nhân có biểu hiện choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc huyết áp kẹp, đau bụng, buồn non, chân tay lạnh, người bệnh vật vả, hốt hoảng.
4. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
 Cần phải đưa người bệnh đi khám ngay khi bị sốt cao đột ngột, nhất là vào những tháng mưa trong năm, hoặc trong vùng đã có người bị sốt xuất huyết. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc chưa có điều kiện đưa đến cơ sở y tế, thì có thể chăm sóc ngay tại nhà bằng cách:
+ Nghỉ ngơi tại nhà,
+ Cho uống nhiều nước, nước uống tốt nhất là dung dịch Oresol hoặc  hoặc nước trái cây. Ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hoá như: cháo, súp, sữa...
+ Dùng thuốc paracetamol để hạ sốt,  khi bị sốt cao thì phải dùng khăn ướt để lau mát, chú ý lau nhiều ở 2 bẹn và 2 nách vì đây là vùng có nhiều mạch máu đi qua.
+ Tuyệt đối không được dùng Aspirin để hạ sốt. Tuyệt đối không được cạo gió, trích huyết...
Theo dõi thường xuyên, nếu thấy có bất kỳ biểu hiện xuất huyết nào hoặc bệnh trở nặng hơn như: li bì, bứt rứt, vật vả, chân tay lạnh, đau bụng, nôn mữa nhiều...thì cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời./.

DINH DƯỠNG HỢP LÝ VÀ SỨC KHOẺ

Dinh dưỡng hợp lý và sức khoẻ
        Bữa ăn gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ của toàn gia đình. Gia đình được ăn uống tốt thì sức khoẻ của cả gia đình được đảm bảo, trẻ em không bị suy dinh dưỡng, người lớn không mắc bệnh tật, không mất sức lao động và không gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Do đó, mọi người cần có những hiểu biết cơ bản nhất về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, giá trị dinh dưỡng của các nhóm thức ǎn để biết cách lựa chọn và ǎn uống phù hợp với nhu cầu của từng người.
      Vậy như thế nào là một bữa ăn hợp lý? Theo Viện Dinh dưỡng Việt nam, bữa ăn gia đình cần phải đảm bảo một cách cân đối về các chất sản sinh năng lượng, hợp lý về các thành phần dinh dưỡng như: protid, lipid, glucid, khoáng chất và các vitamin cần thiết khác.
1. Hợp lý về tỷ lệ các chất sinh năng lượng:
Khi vào cơ thể, 1g protid (chất đạm) cung cấp 4 Calo, 1g lipid (chất béo) cung cấp 9 Calo, 1g glucid (đường bột) cung cấp 4 Calo. Trước đây, một số chuyên gia dinh dưỡng ở các nước phát triển, Châu Âu đã đề nghị các chất đạm, béo và đường bột ở tỷ lệ 1:1:4 là thích hợp. Ngày nay, tỷ lệ này còn chưa được thống nhất. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như nước ta, tỷ lệ này được khuyến cáo là 1:1:5 hoặc 1:1:6.
2. Hợp lý về protid:
Protid là thành phần chính để xây dựng tế bào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bình quân 1 ngày người lớn cần 0,75g protid cho một kg trọng lượng cơ thể. Nhưng trong một bữa ăn bao giờ cũng có nhiều loại protid có giá trị sinh học và hệ số hấp thụ thấp hơn. Do vậy, nhu cầu thực tế phải tăng lên khoảng 1,2g/kg thể trọng/ngày. Trong đó, protid có nguồn gốc động vật nên chiếm từ 35-50%. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa, thì đậu tương là loại thực phẩm có hàm lượng protid rất cao và chất lượng tốt.  Trẻ em bị suy dinh dưỡng, người ốm suy kiệt, sau mổ, phụ nữ mang thai và cho con bú… cần một số lượng protid cao hơn bình thường. Ngược lại, những người mắc bệnh thận thì cần một lượng ít hơn.
3. Hợp lý về lipid:
Năng lượng do lipid cung cấp bình quân khoảng 25%, không nên dưới 10% và trên 35% tổng số năng lượng của khẩu phần ăn. Nếu thiếu lipid sẽ kéo theo thiếu các vitamin tan trong dầu như: A, D, E, K. Nếu ăn nhiều mỡ động vật sẽ dễ mắc các bệnh tim mạch. Ngược lại, nếu ăn dầu thực vật sẽ có lợi cho việc phòng và chữa các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp... Lạc, vừng là những hạt có nhiều dầu.
4. Hợp lý về glucid:
Glucid chủ yếu do ngũ cốc, rau, củ quả cung cấp, chiếm khoảng 55-60% tổng số năng lượng của khẩu phần ăn. Trong thành phần glucid, chất xơ cũng đóng vai trò rất quan trọng vì nó giúp điều hòa nhu động ruột và chống táo bón. Mọi người không nên ăn bánh kẹo, quả ngọt hoặc đồ uống có đường trước giờ ăn chính vì nó sẽ làm mất cảm giác đói, đến giờ ăn chính sẽ không ăn được nhiều thức ăn khác cần hơn. Người mắc bệnh đái tháo đường cần ăn ít đường bột hơn và cần chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
5. Hợp lý về khoáng chất:
Khẩu phần ăn có nhiều canxi và phospho, ở một tỷ lệ thích hợp sẽ giúp phát triển xương ở trẻ em và chống loãng xương ở người già. Tỷ lệ Canxi và Phospho trong khẩu phần của trẻ em nên từ 1-1,5 (ở sữa mẹ là 2 và sữa bò là 1,25), của người lớn nên từ 0,7-1. Ngày nay, các vi chất dinh dưỡng khác như: sắt, kẽm, i-ốt...cũng cần được chú ý đến nhiều hơn vì vai trò quan trọng của nó đối với cơ thể.
6. Hợp lý về vitamin:
Chúng ta đã biết rất nhiều loại vitamin và vai trò của nó đối với cơ thể. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm phát triển, dễ mắc bệnh, dễ bị khô mắt, mù lòa. Thiếu Vitamin B1 dễ mắc bệnh tê phù, chán ăn, mệt mỏi. Thiếu vitamin C dễ bị xuất huyết, nhiễm trùng, thiếu Vitamin D trẻ sẽ bị chậm lớn, còi xương…
VitaminA có nhiều trong thịt, gan, trứng. Beta-caroten (tiền vitaminA) có nhiều trong rau quả như cà rốt, gấc, đu đủ chín… B1 có nhiều trong gạo, nhất là cám gạo, để phòng thiếu B1 không nên ăn gạo đã để quá lâu và xát quá kỹ. Vitamin C có nhiều trong rau quả tươi, muốn tránh hao hụt vitamin C không nên thái rau quá nhỏ và không nên vò nát rau khi rửa./.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ TRƯỜNG HỌC

Trang thiết bị y tế trong trường học
      Học sinh là đối tượng có tỉ lệ khá cao, chiếm từ 1/3 đến 1/4 trong cơ cấu dân số, là đối tượng đang ở trong giai đoạn phát triển và lớn nhanh về mọi mặt. Chính vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ngay từ tuổi đến trường luôn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục của mỗi quốc gia.
      Nếu các trường học không quan tâm một cách đúng mức, không thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh học đường thì rất dễ tạo điều kiện cho các loại bệnh tật như: cong vẹo cột sống, tật khúc xạ, tai nạn thương tích, các loại dịch bệnh nguy hiểm…có cơ hội phát sinh, lây nhiễm trong học sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập và có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống cuả học sinh về lâu về dài.
    Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho con em học tập tốt, phòng chống các bệnh thường gặp trong môi trường học đường, Bộ Giáo Dục – Đào tạo và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT quy định về công tác y tế tại các trường học. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế như sau:
 1. Về cơ sở vật chất:
-   Trường phải ở xa những nơi có khói bụi, khí độc hại,…
-   Đảm bảo sân chơi, sân tập, cây xanh,… đủ rộng cho các em vui chơi.
-   Có dụng cụ thu gom rác thải và xử lý.
-   Có hệ thống cống rãnh thoát nước, chống ô nhiễm môi trường .
-   Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nước uống và sinh hoạt cho học sinh, giáo viên.

-   Nói không với khói thuốc trong trường học.
-   Phòng học phải đảm bảo như thông gió, mát mẻ. Có độ chiếu sáng tự nhiên, đồng đều, phải yên tĩnh, tiếng ồn không quá 50 Đêxiben.
-   Đảm bảo an toàn cháy nổ, khí đốt, ổ cắm điện, hệ thống xử lý hóa chất trong phòng thực hành,… bảo đảm an toàn cho học sinh và môi trường xung quanh.
-   Bàn ghế phải phù hợp với với từng độ tuổi, bảng học phải chống lóa, treo đúng nơi, kích thước, màu sắc phù hợp.
Có bếp ăn tập thể, nhà ăn trong trường phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ đúng tiêu chuẩn.
2. Về trang thiết bị Y tế:
-   Phòng y tế phải có diện tích 12m2 trở lên, thuận lợi cho công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đảm bảo vệ sinh trong phòng y tế.
-   Tủ thuốc cần phải trang bị các loại thuốc thiết yếu, có sổ quản lý, kiểm tra đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định.
- Có đủ trang thiết bị chuyên môn thiết yếu phục vụ sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, phải có ít nhất một giường bệnh.
Hiện nay, ngoài việc đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế học đường, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã áp dụng các phương pháp can thiệp nhằm chuyển biến các kiến thức khoa học thành các kỹ năng thực hành trong mọi hoạt động sống của lứa tuổi học đường. Việc tạo được nền nếp trong công tác bảo đảm y tế học đường sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh, ngăn chặn được bệnh tật mắc phải tại trường học./.

DINH DƯỠNG CHO TRẺ BỊ NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP

   Dinh dưỡng cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
     Khi thời tiết thay đổi, nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi và kèm theo ho, thở nhanh bất thường… các bà mẹ nên thận trọng, vì có thể bé đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính.
    Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thường có các triệu chứng: ho, sốt, khó thở, đau họng, chảy nước mũi và chảy mủ tai. Ho là triệu chứng hay gặp nhất. Thông thường, ho hay kèm theo sốt. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh; cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, không buộc trẻ nhịn ăn hay kiêng ăn.
- Trong lúc trẻ bệnh: nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường, cho trẻ bú bất cứ lúc nào khi trẻ có nhu cầu, kể cả ban đêm;
- Uống nhiều nước hơn khi trẻ sốt cao, tốt nhất là nước rau, quả tươi như nước cam, chanh;
- Trong lúc bệnh, trẻ dễ bị ói, và có cảm giác ăn không ngon, vì vậy cần cho trẻ ăn chậm hơn lúc bình thường. Khi trẻ không chịu ăn nữa thì ngưng và bổ sung ngay sau bữa ăn những món ăn mà trẻ thích như sữa chua, pho mai, các loại bánh…
- Thức ăn cần nấu mềm hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ cho trẻ ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm là bột đường, đạm, chất béo, rau củ và trái cây.
- Không cho trẻ ăn hoặc uống thức ăn, nước uống lạnh.
- Chuẩn bị khăn khô mềm để lau cho trẻ trong khi ăn, không dùng khăn ướt vì dễ chạm vào mũi gây lạnh và kích thích chảy mũi liên tục.
- Khi trẻ nhiễm khuẩn thường hay kém ăn, hay bị nôn trớ nên lượng thức ăn đưa vào trong cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời cơ thể bị tiêu hao rất nhiều năng lượng trong lúc bệnh để chống đỡ lại bệnh tật, nên sau khi ốm dậy trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, nên cho trẻ ăn thêm 1 bữa/ngày với thức ăn giàu dinh dưỡng trong vòng 1 tháng sau khi khỏi bệnh.
         Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp trong mùa lạnh cho trẻ, quan trọng nhất là chế độ nuôi dưỡng tốt; Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không nên cho trẻ ra ngoài trời vào ban đêm, hạn chế ra đường; Vệ sinh nhà ở, phòng ngủ của trẻ luôn thoáng mát, tránh ẩm thấp, tránh khói bụi; Vệ sinh mũi, răng miệng thường xuyên; Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và tiêm chủng đúng lịch cho trẻ./.

DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

    Đái tháo đường là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm hiện nay, theo thống kê năm 2008, tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường tại Việt Nam là 5% dân số (khoảng 4,5 triệu người), riêng tại các thành phố lớn chiếm 7,2%.
    Đái tháo đường là hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng đường máu do hậu quả của việc mất hoàn toàn insulin hoặc do liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin. Thức ăn chúng ta dùng hằng ngày đều chuyển hóa thành glucose - một dạng đường trong máu. Chính vì thế mà chế độ ăn, uống của bệnh nhân bị tiểu đường cần được đặc biệt chú ý.
    Không có một chế độ ăn chung nào cho bệnh nhân Đái tháo đường, tùy theo tình trạng bệnh mà người bệnh có chế độ ăn riêng. Tuy nhiên, chế độ ăn của từng người phải tuân thủ theo một quy tắc nhất định, đáp ứng việc điều trị phù hợp với lượng đường huyết của người bệnh.

      Những điều người bệnh đái tháo đường nên làm:
- Dùng lượng chất bột và chất béo đơn chưa bão hòa, các loại hấp thu chậm và lượng chất béo nên gia giảm tùy tình trạng cân nặng của bệnh nhân.
- Dùng các loại đạm có nguồn gốc thực vật, các loại đậu. Đối với động vật thì nên ưu tiên cá.
- Dùng trực tiếp những loại thức ăn có thành phần đường hấp thu chậm, dùng trái cây vừa đủ, không nên lạm dụng.
- Nên ăn đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều). 
- Nên dùng các thực phẩm nấu tại nhà, các loại thức ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh chứa ít chất độc hơn thức ăn xào, chiên.
- Cần chú ý thực phẩm đóng gói dành cho bệnh nhân Đái tháo đường, xem thành phần và bảng năng lượng được in trên nhãn.
- Có thể uống được sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa. Dùng sữa không đường hoặc sữa chế biến đặc biệt cho bệnh nhân Đái tháo đường.
      Những điều người bệnh đái tháo đường không nên làm:
- Hạn chế các loại chất béo bão hòa (mỡ động vật) và các loại chất béo đã qua chế biến.
- Không ăn nhiều bữa nhỏ. Tránh tối đa việc ăn khuya vì làm đường huyết tăng vào buổi sáng.
- Không nên tùy tiện bỏ bữa ăn rồi sau đó ăn bù. Điều này rất nguy hiểm với bệnh nhân có tiêm insulin./.

GIỮ VỆ SINH ĐỂ PHÒNG BỆNH TIÊU CHẢY CẤP

     Tiêu chảy cấp là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, phần lớn có nguyên nhân từ việc ăn uống và dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là sau những đợt mưa lụt kéo dài.. Người bệnh tiêu chảy cấp sau nhiều lần đi ngoài và nôn sẽ dễ bị mất nước và các chất điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, mọi người, mọi nhà cần tích cực chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh.
    Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
- Rửa kỹ tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Lau rửa các vật dụng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ. Không cho trẻ ngậm tay hoặc các đồ vật vì rất dễ lây bệnh từ đó.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Phân và chất thải của người bệnh tiêu chảy cấp phải đổ vào nhà tiêu, sau đó rắc vôi bột hoặc Chloramin B (kể cả sau mỗi lần đi tiêu)
An toàn vệ sinh thực phẩm
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Thực phẩm sống và chín phải cất riêng và dùng riêng dụng cụ chế biến như dao thớt.
- Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, mưa gió, bụi bặm.
- Không được ăn rau sống, uống nước lã, ăn các loại mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.
Những nơi đang có người mắc bệnh tiêu chảy cấp không được tập trung ăn uống đông người.
Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
- Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ và sát khuẩn bằng hóa chất Chloramin B nếu có lũ lụt gây ngập nước.
- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người mắc bệnh cũng như cấm vứt xác súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng. Không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
Khi bị tiêu chảy cấp
Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

PHÒNG TRÁNH BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

          Bệnh đau mắt đỏ - trong y học gọi là Viêm kết mạc dịch tể, là một bệnh thường gặp trong cộng đồng. Bệnh này rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các vật dụng hàng ngày. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nẵng nóng, môi trường bị ô nhiễm bụi bặm, bệnh rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch.
Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh triệu chứng sẽ xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày. Ban đầu bệnh nhân có cảm giác cộm trong mi mắt, nước mắt dễ chảy và chảy nhiều. Sau khi ngủ dậy, bệnh nhân khó mở mắt ra được ngay vì ghèn ra nhiều và bám quanh mi mắt, tiếp đó tròng trắng mắt (tức kết mạc) đỏ rực, kèm chảy nước mắt liên tục. Lúc này mắt có cảm giác khó chịu trước nguồn sáng mạnh thường gọi là xốn mắt, tuy nhiên thị lực vẫn bình thường. Ở bệnh này, mí mắt không sưng, nếu có thì hoặc đang bị bội nhiễm hoặc đang bị viêm nhiễm kết mạc do vi khuẩn.
       Bệnh đỏ mắt dịch tể thường diễn tiến trong 7-10 ngày, rồi tự khỏi trừ trường hợp bội nhiễm.
       Đối với đỏ mắt dịch tể hay đỏ mắt do vi rút không có thuốc đặc trị. Biện pháp điều trị chủ yếu là: Giữ vệ sinh, dùng dụng cụ vệ sinh cá nhân riêng để tránh lây lan cho người khác, để ghèn và nước mắt chảy tự do, không nên băng kín mắt, không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid như: Polydexa,Dexacol...Trong trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, mi mắt sẽ sưng lên ghèn có mùi hôi của mủ , phải dùng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh như: Sulfamid 10%, Erythomycin 0,5%, Cloramphenicol 0,4%...
Bệnh đỏ mắt dịch tể là bệnh lây trực tiếp qua tiếp xúc với người bệnh hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng hàng ngày cũng như do môi trường bị ô nhiễm. Do đó, việc phòng tránh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Đối với cá nhân, không dùng chung dụng cụ vệ sinh với người bệnh như: Khăn mặt, lược, chậu rửa mặt....
Tốt nhất là mỗi người nên có một số đồ dùng cá nhân riêng. Không để trẻ em tiếp xúc với đất cát, các loại lông vũ như gà, chó, vịt, chim, mèo. Người bị bệnh cần phải ý thức vệ sinh sạch sẽ những đồ dùng cá nhân của mình, tránh tạo nguồn lây cho người khác. Đối với xã hội, đưa giáo dục vệ sinh vào chương trình thường qui ở trường học, mẫu giáo, nhà trẻ ... làm sạch môi trường là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh này./.