Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

TÌM HIỂU LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta từ lâu đã đặc biệt quan tâm và xem đây là một vấn đề có tác động lớn về sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Luật An toàn thực phẩm (ATTP) để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Luật ATTP được Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTP; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm (TP), sản xuất, kinh doanh TP và xuất nhập khẩu TP; quảng cáo, ghi nhãn TP; kiểm nghiệm TP; phân tích nguy cơ đối với ATTP; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
          Luật có 11 Chương và 72 Điều, có nhiều điểm mới và khác biệt về nội dung so với Pháp lệnh vệ sinh ATTP năm 2003 như quy định các nguyên tắc quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm đầu tiên của người sản xuất kinh doanh; quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về ATTP, theo đó cần phải xây dựng chiến lược bảo đảm ATTP, quy hoạch vùng sản xuất TP an toàn theo chuỗi cung cấp TP...
Về nguyên tắc quản lí ATTP: Luật quy định trách nhiệm trước tiên về an toàn đối với TP do cơ sở sản xuất, kinh doanh TP phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với TP do mình sản xuất, kinh doanh. Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh TP trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP, đồng thời phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, phối hợp liên ngành và phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về xử lý vi phạm pháp luật về ATTP: Luật quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TP vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền đối với vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị TP vi phạm; tiền thu được do vi phạm bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với TP: Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh, theo đó, các loại TP phải đáp ứng đủ hai điều kiện lớn: các điều kiện chung về bảo đảm an toàn và những điều kiện riêng về bảo đảm an toàn tùy theo loại TP.
Về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP: Luật ATTP 2010 quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ sở đó phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có đủ điều kiện bảo đảm ATTP phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh TP; có đăng ký ngành, nghề kinh doanh TP trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thêm vào đó, Luật ATTP 2010 đã giới hạn thời hạn cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 3 năm, trong khi Pháp lệnh không quy định thời hạn. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hết hạn thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TP phải nộp hồ sơ xin cấp lại giấy Chứng nhận nếu tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Trong Pháp lệnh chỉ quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh những TP có nguy cơ cao mới cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Về phân tích nguy cơ đối với ATTP là điểm mới được quy định tại Luật ATTP 2010. Trách nhiệm thực hiện phân tích nguy cơ đối với ATTP thuộc về Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Ngoài ra, Luật ATTP 2010 còn quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP nhằm mục đích nâng cao nhận thức về ATTP, thay đổi nhận thức, hành vi, phong tục tập quán sản xuất, kinh doanh lạc hậu, gây mất an toàn TP góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét