Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

NHỮNG HÀNH VI, TẬP QUÁN ẢNH HƯỞNG KHÔNG TỐT ĐẾN VIỆC NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

              Trong nhiều thập kỷ qua, các bằng chứng khoa học đã cho thấy những ích lợi không cần bàn cãi về mặt sức khỏe cho cả con và mẹ cũng như những ích lợi khác về mặt kinh tế, xã hội của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ở cấp độ cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh và sau đó tiếp tục bú mẹ đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi kèm với ăn bổ sung hợp lý. Tuy nhiên, ngày nay, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như việc quảng cáo mạnh của các công ty sữa, bà mẹ bận rộn với công việc, thời gian nghỉ thai sản ngắn, tỉ lệ sinh mổ cao, bà mẹ không được hướng dẫn, tư vấn kỹ về cách nuôi con bằng sữa mẹ,… Ngoài ra, còn có những hành vi, tập quán không đúng của một số vùng, một số địa phương đã làm cho nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ không thành công. Những hành vi và tập quán đó bao gồm:
1. Cho trẻ bú muộn sau sinh:
             Việc cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh chưa được thực hiện tốt. Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 55%, nhiều bà mẹ chờ đến khi “sữa xuống” tức là sau đẻ 1-2 ngày mới cho bú. Trước khi cho con bú, một số nơi còn có tập quán dùng các loại lá cây như lá mít để nhồi sữa cho sữa “chín”. Việc cho con bú muộn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ cũng như ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của bà mẹ sau này. Nếu bà mẹ cho trẻ bú muộn sau sinh, trẻ sẽ không nhận được sữa non có nhiều chất kháng thể, mẹ sẽ chậm xuống sữa hơn.
2. Cho trẻ ăn thức ăn khác trước khi cho bú mẹ
            Việc không cho trẻ bú mẹ trong những ngày đầu sau sinh cũng đồng nghĩa với việc cho trẻ ăn thức ăn khác như sữa, nước đường, nước cam thảo… trong những ngày đó. Điều này khiến trẻ dễ mắc bệnh ỉa chảy do nhiễm bẩn cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do không nhận được kháng thể từ sữa non của mẹ. Trẻ được cho ăn thức ăn khác sẽ mất cảm giác thích bú sữa mẹ. Và điều này làm mẹ giảm tiết sữa. Nhiều bà mẹ thậm chí còn vắt sữa non bỏ đi vì cho là sữa non độc, không có chất bổ dưỡng.
3. Cho trẻ ăn bổ sung sớm:
             Các bà mẹ Việt Nam thường cho con ăn bổ sung rất sớm, thường khi trẻ được 2-3 tháng. Tỷ lệ cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất thấp. Các bà mẹ thường nghĩ rằng cho con ăn các chất có nhiều tinh bột để trẻ thêm cứng cáp. Một số bà mẹ cho rằng sữa của mình không đủ để nuôi trẻ khi trẻ được 2-3 tháng tuổi hoặc còn cho rằng sữa mẹ là nóng hoặc không tốt cho trẻ. Các nghiên cứu đều cho thấy đa số các bà mẹ đều đủ sữa nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến khi trẻ được 6 tháng tuổi nếu bà mẹ cho con bú sớm, bú thường xuyên và cho bú đúng cách. Trong mọi trường hợp sữa mẹ đều tốt hơn các thức ăn nhân tạo khác.


4. Cai sữa sớm:
             Một số bà mẹ cho con bú kéo dài được đến 18 tháng hoặc lâu hơn, nhưng hầu hết các bà mẹ thường cai sữa cho trẻ khi trẻ được 12 tháng tuổi. Nguyên nhân của việc cai sữa sớm và cho ăn bổ sung sớm thường là khi bà mẹ phải đi làm, không có thời gian cho con bú thường xuyên nên lượng sữa giảm dần mà các bà mẹ lại không được hướng dẫn cách vắt sữa bằng tay để duy trì sự tạo sữa và để dành sữa lại cho con ăn.
5. Trong thời gian cho bú mẹ hoàn toàn vẫn thường cho uống nước trắng hoặc nước hoa quả.
            Các bà mẹ thường cho rằng trẻ cần uống thêm nước cho đỡ khát hoặc cần tráng miệng cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội mỗi khi trẻ bú xong. Thực tế trẻ không cần uống nước đun sôi để nguội hoặc nước hoa quả trong 6 tháng đầu bởi vì trong sữa mẹ đã có đủ nước và các vitamin cho nhu cầu của trẻ.
6. Cho trẻ bú chai với núm vú cao su:
            Cho trẻ bú chai với núm vú cao su sẽ làm trẻ bị nhầm lẫn, khiến trẻ mất phản xạ tìm bắt vú và dẫn đến từ chối bú mẹ. Việc làm vệ sinh bình bú và núm vú cao su cũng rất bất tiện và mất nhiều thời gian. Bình bú và núm vú rất dễ bị nhiễm bẩn và là nguồn lây bệnh cho trẻ. Khi trẻ bú chai thì sẽ bú mẹ không đúng cách nữa và dẫn đến làm giảm sự tạo sữa của mẹ.
7. Cho trẻ cai bú mẹ khi bà mẹ mang thai lại
            Các bà mẹ được khuyên không nên sinh con quá dày. Khoảng cách giữa hai lần sinh nên từ 3 – 5 năm. Tuy nhiên, có một số trường hợp các bà mẹ có thai sớm sau sinh con vì vỡ kế hoạch hoặc vì những lý do khác. Trong trường hợp này nhiều người cho con cai sữa vì nghĩ rằng sữa của bà mẹ mang thai thì độc hoặc họ sợ việc cho con bú sẽ làm co bóp tử cung và có thể gây sẩy thai. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc cho con bú không làm tăng nguy cơ sẩy thai. Những co bóp của tử cung trong thời kỳ cho con bú chỉ tương đương với những cơn go thông thường khi bà mẹ tập thể dục hay sinh hoạt tình dục. Nhìn chung phụ nữ mang thai có thể tiếp tục cho con bú đến khi thai được 6 tháng, tuy nhiên bà mẹ cần ăn uống bồi dưỡng nhiều hơn những bà mẹ cho con bú không mang thai. Đến lúc thai được 6 tháng tuổi bà mẹ có thể cân nhắc việc ngưng cho con bú nếu cảm thấy mệt mỏi và khó xoay trở khi cho con bú.
BS.Ngô Văn Quang
(Biên soạn từ tài liệu của WHO và BYT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét