Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

CẦN PHÂN BIỆT BỆNH HUYẾT ÁP THẤP

          CẦN PHÂN BIỆT BỆNH HUYẾT ÁP THẤP VÀ HẠ HUYẾT ÁP
Thông thường, huyết áp có thể dao động từ 110 - 120 (huyết áp tâm thu) và 70 - 80 (huyết áp tâm trương). Một người đựơc xem là huyết áp  bình thường nếu như huyết áp đo được ở khoảng như trên.
I. Thế nào là huyết áp (HA) thấp?
Theo các nhà chuyên môn, gọi là HA thấp khi số đo HA tối đa (huyết áp tâm thu) bằng hoặc dưới 90mmHg và HA tối thiểu (huyết áp tâm trương) bằng hay dưới 60mmHg. Tuy nhiên, đó chỉ là trị số trung bình. Trên thực tế, số đo HA đó đối với người này là thấp nhưng ở người khác lại là bình thường, điều này tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Cũng như tăng HA, HA thấp hiện nay cũng đang là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh cần hiểu đúng về những biểu hiện, mức độ nguy hiểm của bệnh HA thấp để biết cách xử trí kịp thời khi chưa có thầy thuốc bên cạnh. Có hai loại HA thấp: HA thấp tiên phát (do thể trạng) và HA thấp thứ phát (do các bệnh lý khác). Những người HA thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, chân tay lạnh, giảm tập trung trí lực, dễ nổi cáu, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, thoáng ngất hoặc ngất...
 II. Phân biệt với hạ HA:
Hạ HA là tình trạng HA thấp hơn so với chỉ số HA bình thường hàng ngày và có những triệu chứng của thiếu cung cấp máu tới tuần hoàn não: hoa mắt, chóng mặt, ngất,… Nguyên nhân thường gặp của hạ HA thường do cơ thể không kịp điều chỉnh HA qua thần kinh giao cảm để đối phó với sự thay đổi tư thế.
Hạ HA theo tư thế (orthostatic hypotension) thường gặp ở: Người cao tuổi, người có vữa động mạch não nhiều, phụ nữ có thai vào những tháng cuối, đứng lâu, người dùng  thuốc hạ HA mạnh. Biểu hiện của hạ HA khi thay đổi tư thế là: hoa mắt, chóng mặt, có thể ngã hoặc ngất xỉu khi từ tư thế nằm chuyển nhanh sang ngồi hoặc từ ngồi chuyển sang đứng. Nếu đo HA lúc đó thì HA tâm thu tụt xuống hơn 20mmHg và HA tâm trương tụt xuống hơn 10mmHg so với chỉ số HA bình thường hàng ngày. Trong một số trường hợp có thể gặp hạ HA trong vòng 2 giờ sau khi ăn, HA có thể giảm tới 20mmHg, nhất là ở người cao tuổi, người đang bị tăng HA, có bệnh tim mạch, đang dùng thuốc điều trị tăng HA. Bệnh nhân có thể bị ngất xỉu, đau thắt ngực, chóng mặt, mệt, buồn nôn, mờ mắt, thậm chí cả đột quị. Hoặc hạ HA sau khi đi tiểu, sau đại tiện, sau cơn ho, sau nuốt nghẹn. Người ta còn nhận thấy có trường hợp hạ HA, ngất, thậm chí tử vong, sau khi thắt cà vạt hoặc sau khi bị bóp vùng xoang cảnh. Hạ HA còn do biến chứng của mất nước vì nôn, ói, tiêu chảy, sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, bỏng nặng, đổ mồ hôi nhiều; Xuất huyết làm giảm khối lượng máu;  Bệnh tim: suy tim, rối loạn nhịp tim, nhịp chậm…; Các bệnh nội tiết: đái tháo đường, cường tuyến giáp; Parkinson; Chấn thương sọ não; Ngộ độc hóa chất; Suy gan; Nằm lâu ngày…; Các bệnh nhiễm khuẩn huyết, dị ứng nặng, thiếu vitamin B12, acid folic…; Sử dụng các thuốc: lợi tiểu, giãn mạch, thuốc viagra, chống trầm cảm, giảm đau…
III. Người bị bệnh  HA thấp cần chủ động kiểm soát bệnh :
Người bị bệnh HA thấp nên tuân thủ chế độ sinh hoạt và ăn uống như sau:
- Ăn uống đầy đủ, đảm bảo các chất dinh dưỡng; Uống nhiều nước, hạn chế uống rượu, bia và các chất kích thích; Ăn nhiều rau quả, thịt nạc, ăn nhiều bữa trong ngày, hạn chế bột và đường, ăn mặn hơn người bình thường (khoảng 10-15g muối/ngày). Không bỏ bữa vì nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết.
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh làm việc căng thẳng.
- Tập thể dục thường xuyên, vừa sức như đi bộ, thể dục dưỡng sinh...
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu sớm của các bệnh lý là nguyên nhân gây ra HA thấp để điều trị và phòng ngừa. Người HA thấp khi có biểu hiện choáng váng, hoa mắt... cần nằm nghỉ ngay (nằm đầu thấp), tránh ngồi dậy hoặc thay đổi tư thế đột ngột, uống một cốc trà đường hoặc trà gừng ấm. Có thể dùng thuốc Coramin để nâng huyết áp tạm thời, 1 viên/1 lần, từ 3-4 lần/ngày. Nếu không thấy đỡ hơn thì cần đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh.
IV. Người bị hạ HA cần phải được khám, theo dõi và điều trị đúng cách:
            Hạ HA có thể là một biểu hiện hoặc biến chứng của một bệnh nào đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị và làm một số xét nghiệm cần thiết.  Mục đích của điều trị là: Làm giảm các triệu chứng lâm sàng và bệnh chính đã gây ra hạ HA. Ngoài việc đi khám và làm các xét nghiệm để hướng tới chẩn đoán và điều trị nguyên nhân, một số trường hợp hạ HA sau đây có thể dự phòng bằng cách:
- Hạ HA do đứng: Nên uống nhiều nước, không nên ăn mặn tuyệt đối. Uống ít hoặc không uống rượu. Thay đổi tư thế một cách từ từ. Không nên bắt chéo chân khi đang ngồi. Nếu bị giãn tĩnh mạch chi dưới: dùng biện pháp băng ép các chi dưới, rất có hiệu quả nếu thực hiện đúng kỹ thuật.
- Hạ HA sau ăn: Nên ăn nhiều bữa nhỏ. Giảm bớt các chất bột, gạo trong khẩu phần.
- Hạ HA do mất điều chỉnh thần kinh giao cảm: Ho, đi tiểu, rặn mạnh khi đại tiện… thì nên tránh những tình huống gây ra hạ HA đã gặp phải. Khi ngồi xuống nên cúi đầu giữa hai đầu gối: Động tác này giúp nâng HA lên.
            Biết phân biệt đúng giữa bệnh HA thấp và Hạ HA, người bệnh sẽ chủ động trong việc theo dõi, phòng và điều trị bệnh đúng cách và hợp lý.
                                                                                                   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét