Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỰ PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỰ PHÒNG
UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

     Hiện nay, Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư vú. Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, trong các loại ung thư ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 30 – 59 tuổi. Đối với ung thư cổ tử cung, quá trình phát triển của một tế bào bình thường đến ung thư được chia ra làm 4 giai đoạn chính, từ nhẹ đến nặng như sau: Giai đoạn 1 là bị nhiễm một loại virus có tên gọi tắt là HPV, Giai đoạn 2 là tiền ung thư, Giai đoạn 3 là ung thư chưa di căn, Giai đoạn sau cùng là ung thư di căn, tức là tế bào ung thư đã xâm lấn sang các bộ phận khác, và đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Phần lớn phụ nữ mắc bệnh trong giai đoạn này là 50 tuổi trở lên, tức sau thời kỳ mãn kinh. Vậy, làm thế nào để dự phòng ung thư cổ tử cung:
          Một là: Sống chung thủy một vợ một chồng:
          Nếu một người phụ nữ có nhiều bạn tình, khả năng lây nhiễm virus HPV càng cao. Họ có thể nhiễm virus này từ người đàn ông này hay từ người đàn ông khác. Chung thủy một vợ một chồng còn là cách phòng tránh an toàn các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
          Hai là: Không quan hệ tình dục sớm:
Quan hệ tình dục sớm khi ở tuổi dậy thì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV bởi vì màng nhầy ở các em gái tuổi dậy thì vô cùng nhạy cảm cộng thêm cơ thể của các em ở giai đoạn này bảo vệ rất kém trước sự tấn công của các virus gây bệnh.
Ba là: Nói không với thuốc lá và rượu bia:
Theo các chuyên gia y học, các chất trong thuốc lá và rượu bia sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo và cổ tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Thống kê cho thấy, những phụ nữ đã hút thuốc hoặc đang hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 2 – 3 lần so với phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc. Sử dụng thuốc lá và rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cho người dùng mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác.
Bốn là: Tiêm vaccine trước lần quan hệ đầu tiên:
Tiêm vaccine trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em hạn chế được tới 70% nguy cơ. Nhiều năm sau cần phải tiêm lại, tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của loại vaccine này kéo dài trong ít nhất là 4  - 5 năm.
Năm là: Thăm khám phụ khoa định kỳ:
Ngay cả khi bạn đã tiêm vaccine, hãy đi khám phụ khoa định kỳ. Bác sỹ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về cách phòng tránh và nhận biết dấu hiệu của bệnh. Phát hiện bệnh sớm cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp việc điều trị nhanh và hiệu quả.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
     Đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là một bệnh mạn tính. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường ở trong máu và các rối loạn chuyển hóa khác.
Hiện nay, chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường. Song nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, ngoài các có yếu tố di truyền hoặc gia đình(tức là khi gia đình có người bị tiểu đường thì những người còn lại có nguy cơ dễ bị bệnh tiểu đường hơn), thì các yếu tố xã hội như: cách ăn uống không hợp lý, lối sống ít hoạt động thể lực...cũng góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Trong đó, các yếu tố xã hội hoàn toàn có thể cải thiện được.
Chế độ ăn uống hợp lý là nền tảng cho kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường. Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Chế độ ăn uống hợp lý còn giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác bị tách biệt trong đời sống xã hội.
Hiện nay, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo chế độ ăn của người tiểu đường nên gần giống với người bình thường. Nghĩa là:
1)      Lượng bột đường (gạo, bắp, khoai…) gần với mức người bình thường, khoảng 50-60% khẩu phần ăn trong một bữa.
2)      Cho phép người tiểu đường được sử dụng đường đơn giản ở mức hạn chế (đường để nêm thức ăn, cho vào các loại thức uống…)
3)      Giảm lượng chất béo, nên ăn các loại dầu, mỡ cá, khoảng 20-30%
4)      Tăng chất xơ. Chất xơ có nhiều trong rau, trái cây.
Người tiểu đường nên có chế độ ăn gần như bình thường, ăn đều đặn, không bỏ bữa, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (khoảng 4 - 6 bữa). Đây là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh tiểu đường thành công.
 Cần lưu ý là không có một thực đơn chung cho mọi bệnh nhân tiểu đường bởi vì mỗi bệnh nhân tiểu đường có sở thích ăn uống khác nhau, mức độ hoạt động thể lực khác nhau, mức đường trong máu khác nhau, hoặc cách sử dụng thuốc khác nhau.
Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Điều này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì, giúp hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?

1. Nguyên nhân gây bệnh Sốt xuất huyết? 
 Bệnh sốt xuất huyết là do Virut Dengue gây nên. Muỗi là vật trung gian đem virut từ các loài vật truyền cho người. Người bị muỗi mang virút nầy đốt sẽ trở thành người nhiễm virut Dengue, sau 4 đến 6 ngày sẽ phát thành bệnh sốt xuất huyết. Khoa học cũng đã chứng minh, bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác là do một loại muỗi vằn có tên gọi là Aedes Aegypti.  Loài muỗi này đã hút máu có Virut Dengue từ người bệnh rồi truyền cho người lành. Bất cứ ai cũng có thể bị muỗi này đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết.
2 2. Muỗi vằn Aedes Aegypti có những đặc điểm gì?
-         Muỗi vằn Aedes Aegypti được phát triển qua 4 giai đoạn là: Trứng - Bọ gậy - Loăng quăng và Muỗi trưởng thành.
-         Đặc điểm chính của muỗi vằn Aedes Aegypti là có màu đen, trên chân và dưới khoang bụng có nhiều khoang trắng, đen xen kẽ; trên phần lưng có đám vảy trắng.
-          Muỗi vằn thường sống gần nơi sinh hoạt của người, chúng ưa đậu nơi tối, ẩm, kín đáo như phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp. Chúng thường đậu ở mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo trên tường, rèm cửa và bề mặt tường. Khi trú đậu, tư thế thân muỗi song song với giá đậu.
Muỗi vằn chủ yếu hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
3.Trứng của muỗi truyền bệnh SXH có những đặc điểm gì?
-         Muỗi vằn thích đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước do chính con người làm ra ở trong và xung quanh nhà như: bể, lu, chum, vại, bát nước kê chân chạn, các vật thải chứa nước, lốp xe, vỏ dừa.., môi trường thích hợp để muỗi đẻ trứng là nước trong, không chảy.
-         Trứng này có đặc tính bám chặt vào thành chứa nước và có khả năng chịu đựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khô hạn trong vòng 6 tháng.
Vi rút Dengue tồn tại được trong tế bào trứng của muỗi, ngay sau khi phát triển thành muỗi trưởng thành sẽ truyền bệnh SXH ngay cho người lành.
4. Bọ gậy có những đặc điểm gì?
-         Sau khi muỗi cái Aedes Aegypti đẻ trứng khoảng 1 đến 3 ngày thì sẽ phát triển thành bọ gậy/loăng quăng.
-         Bọ gậy Aedes thường nằm chếch 1 góc nhọn so với mặt nước, chúng có thể phát triển tốt ở cả hai loại nước sạch và nước giàu chất hữu cơ. 
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là ngăn không cho muỗi đẻ trứng, diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và không cho muỗi đốt.
5.Làm thế nào để ngăn ngừa không cho muỗi đẻ trứng?
     Ngăn không cho muỗi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước là biện pháp hữu hiệu nhất mà mỗi người dân cần làm để phòng tránh sốt xuất huyết. Không có trứng thì không có bọ gậy, loăng quăng, không có muỗi vằn.
     Để ngăn không cho muỗi đẻ trứng, mọi người, mọi nhà cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Đậy nắp thật kín hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước có ích hoặc đang sử dụng như: lu, chum, vại, thùng phuy, bể chứa nước mưa,... 
+ Thường xuyên cọ rửa, thay nước ở các dụng cụ chứa nước này ít nhất một tuần một lần.
+ Bỏ muối hoặc một ít dầu vào các chén nước kê chân chạn, giường, tủ...
+ Thay nước ít nhất một lần trong một tuần hoặc bỏ cát ẩm vào các lọ hoa, cây thần tài
6.Làm thế nào để diệt  bọ gậy, loăng quăng một cách hiệu quả?
     Loại bỏ bọ gậy, loăng quăng là loại bỏ nguồn gốc sốt xuất huyết. Đây là công việc và cũng là trách nhiệm của chính bản thân mỗi người, mỗi gia đình và mỗi tổ dân phố. Để làm được điều này, mọi người cần phải:
+ Thu dọn rác, trong đó bao gồm cả các dụng cụ phế thải xung quanh nhà như: chai, lọ, lu, chén bát vỡ, vỏ đồ hộp, vỏ hộp nhựa, lốp xe hỏng... , cho vào túi nhựa chuyển tới nơi vận chuyển rác của địa phương. Nếu không có hệ thống thu gom và vận chuyển rác, thì các loại phế thải này phải được chôn.
+ Úp ngược các dụng cụ gia đình để ở ngoài vườn không sử dụng đến như: xô, chậu, bát, máng nước cho gia cầm...
+ Lấp các hốc cây bằng ximăng hoặc cát, sửa chữa các máng nước bị hỏng, khơi thông các phần bị tắc .
+ Xử lý các kẽ lá cây (chuối, cọ, dừa….) bằng cách chọc thủng, hoặc cho hoá chất vào.
+ Dọn sạch các phần còn lại sau thu hoạch như: vỏ dừa, thân cây dừa..., tát cạn nước trong những xuồng máy hoặc lật úp thuyền nhỏ khi không sử dụng
+ Dùng vợt loại bỏ hết số lượng lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước lớn.
7.Làm thế nào để diệt muỗi và không cho muỗi đốt?
    Mọi người có thể tự bảo vệ mình, tránh không để muỗi đốt phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách:
+ Thường xuyên mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn, kể cả ban ngày.
+ Cho người bệnh nằm trong màn tránh muỗi đốt.
+ Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ có tác dụng làm giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi
+ Dùng rèm, mành tẩm hoá chất diệt muỗi che cửa hạn chế và diệt muỗi.
+ Diệt muỗi bằng các hoá chất như: phun hoá chất, tẩm màn, thắp hương muỗi, dùng bình xịt hoặc vợt điện diệt muỗi.v.v...    
8.Trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, chúng ta cần lưu ý:
-         Việc phun thuốc diệt muỗi của Ngành Y tế thường được thực hiện trên diện rộng, khi vùng đó có dịch và có sự chỉ định của cơ quan y tế địa phương. Nhưng đây chỉ là biện pháp tức thời vì chỉ diệt được muỗi mà không diệt được trứng và bọ gậy/loăng quăng
-         Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tất cả mọi người, mọi gia đình và mọi tổ dân phố hãy tích cực tham gia diệt bọ gậy, loăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
   "Không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi, không có sốt xuất huyết", đó là điều năm trong tầm tay của mỗi chúng ta./.

CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ BỊ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ

     Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng - nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ là trẻ đã bị tiêu chảy. Tiêu chảy dễ gây ra tình trạng mất nước và đe dọa tới tính mạng. Hầu hết các trường hợp bị tiêu chảy có thể chăm sóc và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chăm sóc trẻ một cách đúng đắn, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần làm tốt các nguyên tắc sau đây:
1.     Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy.
     Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và ói. Vì vậy phải cho trẻ uống bù nước ngay khi biết trẻ bị tiêu chảy. Nước uống tốt nhất cho trẻ khi bị tiêu chảy là dung dịch Oresol (hay còn gọi là ORS).
      Đây là gói ORS dùng để chống mất nước. Trong gói này hướng dẫn khá cụ thể về cách pha, tuy nhiên để quí vị hiểu thêm chúng tôi xin hướng dẫn cách pha như sau:
     Trước tiên đong đầy 1 lít nước sôi để nguội. Chúng ta có thể dùng 2 chai nước khoáng loại 500ml để đong. Mở gói ORS và cho hết gói vào nước (không được chia nhỏ để pha làm nhiều lần), khuấy đều cho tan hết dung dịch ORS, đậy nắp lại và  uống trong 24 giờ.
    * Chú ý:
+ Chỉ pha gói ORS với nước sạch. Không được pha với sữa, nước khoáng, nước canh hoặc nước ngọt v.v. Tuyệt đối không cho thêm đường.
+ ORS đã pha chỉ được sử dụng trong vòng 24 giờ. Nếu sau 24 giờ mà vẫn chưa uống hết thì nên đổ đi và pha gói khác.
2. Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh.
Ðể trẻ không bị sụt cân khi tiêu chảy, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn của trẻ trong những ngày này cần mềm hơn, lỏng hơn, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để giúp trẻ tiêu hóa dễ hơn và ăn ngon miệng hơn. Nếu trẻ đang bú mẹ, thì sữa mẹ là nguồn thực phẩm quí giá cho trẻ trong lúc này, vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.
3.     Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
-         Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
-         Tiêu chảy trên 4 ngày
-         Nước tiểu ít hoặc sẫm màu
-         Đau bụng dữ dội
-         Mắt trũng
-         Trẻ rất khát nước
-         Trẻ ói liên tục
-         Trẻ sốt cao (trên 390C)
-         Trẻ đi phân có máu
-         Trẻ li bì, khó đánh thức
-      Trẻ có co giật
     4. Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ: Ðể trẻ ít bị mắc bệnh tiêu chảy, cần lưu ý giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc trẻ và cho trẻ ăn; tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh; tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi. Luôn nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh./.

KIỂM SOÁT TĂNG HUYẾT ÁP

 KIỂM SOÁT TĂNG HUYẾT ÁP
      Tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển được khẳng định khi: huyết áp đo tại cơ sở y tế > hoặc = 140/90 mm Hg; hoặc khi đo tại nhà và khi theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ > hoặc = 135/85 mm Hg. Trong trường hợp huyết áp không tăng nhưng có bằng chứng tăng huyết áp như: đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc có biến chứng như bệnh tim do tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.  Không chẩn đoán tăng huyết áp qua một lần đo trừ khi đo một lần huyết áp > 180/110 mmHg. Tăng huyết áp thường dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận như: suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não bệnh thận mãn tính…
Bệnh tăng HA tiến triển lâu ngày gây tổn thương đến tim, não, thận, động mạch, để lại nhiều di chứng nặng nề, giảm chất lượng sống ở người có tuổi. Vì vậy việc kiểm soát bệnh tăng HA là rất quan trọng ngay cả khi chưa mắc bệnh lẫn khi đã mắc bệnh. Một số biện pháp sau đây sẽ giúp kiểm soát được căn bệnh này và nâng cao chất lượng cuộc sống:

1/ Giảm cân:
        Một chế độ ăn giàu kali như trái cây, rau, sản phẩm sữa ít béo bão hòa làm giảm nguy cơ tăng cân, ăn đúng bữa, không nên ăn vặt vì nó dễ làm cho chúng ta tăng cân.
       2/ Giảm lượng muối ăn:
       Không ăn quá một muỗng cafê muối mỗi ngày, bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.
       3/ Hạn chế uống rượu bia:
        Rượu bia làm giảm tác dụng của thuốc hạ huyết áp. Nếu uống rượu bia nhiều sẽ gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
        4/ Bỏ thuốc lá:
         Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc bỏ thuốc lá sẽ giúp chúng ta khỏi bị sơ vữa động mạch,  một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp
        5/ Chế độ sinh hoạt và làm việc:
        Nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý bao gồm cả nghỉ ngơi tích cực như nghe nhạc, xem báo chí… Bảo đảm ngủ đủ, giữ được tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh.
        6/ Tập thể dục thể thao:
         Rèn luyện thể lực, thể dục thể thao: đây là một yêu cầu hết sức quan trọng đối với tất cả mọi người để giữ vững và nâng cao sức khỏe, cơ thể khỏe mạnh có khả năng chống đỡ với bệnh tật tốt hơn. Hoạt động thể lực và trí lực có hiệu quả, tinh thần sảng khoái và làm cho tim thích ứng với yêu cầu về cung cấp máu. Nên tập thường xuyên ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài ít nhất 30 phút.
         7/ Điều trị và theo dõi chỉ số huyết áp:
        Đối với những người đã mắc bệnh tăng HA cần điều trị liên tục, có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc, giải quyết các yếu tố nguy cơ chính là những biện pháp dự phòng tích cực nhất đối với những biến chứng của bệnh tăng HA.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ

Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 1992. Sau 17 năm thực hiện, ngày 14/11/2008, nước ta có Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về BHYT, định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Những giải đáp sau sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về BHYT.
1. Bảo hiểm y tế (BHYT) là gì?
BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Luật BHYT không áp dụng đối với BHYT mang tính kinh doanh.
2. BHYT được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
BHYT được thực hiện theo 5 nguyên tắc:
- Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
- Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính.
- Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả.
- Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được nhà nước bảo hộ.
3. Luật BHYT được áp dụng đối với đối tượng nào?
Luật BHYT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT.
4. Hiện nay có mấy loại hình BHYT đang được thực hiện?
Từ nay đến hết 31/12/2013 các đối tượng khi chưa có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT thì được tự nguyện BHYT. Như vậy, từ nay đến hết năm 2013 sẽ có 2 loại hình BHYT:
4.1. BHYT đối với người có trách nhiệm tham gia BHYT.
4.2. BHYT đối với người tự nguyện tham gia BHYT.
Từ ngày 01/01/2014 toàn dân có trách nhiệm tham gia BHYT. Như vậy, chỉ còn BHYT đối với người có trách nhiệm tham gia BHYT.
5. Nhà nước có chính sách gì đối với BHYT?
Chính sách của Nhà nước đối với BHYT bao gồm:
5.1. Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người có công với cách mạng và một nhóm đối tượng xã hội.
5.2. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Nguồn thu của quỹ và số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được miễn thuế.
5.3. Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia BHYT hoặc đóng BHYT cho các nhóm đối tượng.
5.4. Nhà nước khuyến khách đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong quản lý BHYT.

MỐI LIÊN QUAN GIỮA THUỐC LÁ VÀ BỆNH TẬT

 Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển thì người ta đã phát hiện ra nhiều mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tật. Thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Gần đây, người ta đã tìm thấy trong khói thuốc lá có chất phóng xạ cực độc và có thể đọng lại ở các nhánh phế quản, làm tăng khả năng mắc ung thư cũng như các bệnh tim mạch, đột quỵ… Khi hút, các chất trong thuốc lá sẽ đi vào cơ thể và âm thầm phá hoại các bộ phận nhất là Phổi, Tim, Hệ thần kinh… Khói thuốc khi thải ra cũng có thành phần tương tự như khi hút vào nên độc cho cả người hút thuốc thụ động.

Thuốc lá luôn đi đôi với các loại bệnh tật:
+ Bên ngoài cơ thể, thuốc lá làm cho người hút mắc các bệnh về răng miệng, da, tóc và mắt như cao răng, viêm lợi, rụng tóc, da nhanh lão hóa, bệnh vảy nến, đục thủy tinh thể, điếc ..vv..
+ Với bệnh ung thư: Thuốc lá có thể gây ung thư bất cứ bộ phận nào trong cơ thể như phổi, vòm họng, thanh quản, phế quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung..vv..
+ Với bệnh tim mạch: Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh tim mạch nghiêm trọng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim, đau tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
+ Bệnh ở hệ hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi, viêm thanh quản, phế quản mạn tính, hen suyễn, ..vv..
+ Ngoài ra, thuốc lá còn làm cho người hút mắc một số bệnh khác như: viêm, loét dạ dày-tá tràng, bệnh Tai-Mũi-Họng, loãng xương.
+ Phụ nữ hút thuốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản do làm giảm hàm lượng hóc môn có liên quan đến chức năng sinh sản, dẫn đến giảm khả năng thụ thai, khả năng tiết sữa, tăng nguy cơ sảy thai và có thai ngoài tử cung, sinh non, thai chết lưu, mãn kinh sớm..v.v.
+ Nam giới hút thuốc lá làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, giảm khả năng phóng tinh, tăng tỷ lệ mắc bệnh liệt dương, do đó giảm khả năng tình dục và khả năng sinh sản.
+ Trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc dễ bị sinh non, nhẹ cân, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, chậm phát triển và học hành kém.
    Hút thuốc làm tăng nguy cơ bệnh tật, tuy nhiên khi giảm hoặc ngừng việc hút thuốc thì nguy cơ bệnh tật cũng giảm xuống rõ rệt, nhất là các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Bỏ thuốc lá cũng sẽ giúp việc điều trị bệnh nếu mắc phải được dễ dàng hơn. Ngoài ra, bỏ thuốc giúp bảo vệ người xung quanh khỏi các chất độc hại có trong khói thuốc, tiết kiệm tiền bạc và giúp bảo vệ môi trường sống.
    Bỏ thuốc càng sớm thì nguy cơ bệnh tật được đẩy lùi càng sớm. Không nên giữ một thói quen vừa tốn tiền vừa có hại cho sức khỏe của bản thân. Việc từ bỏ thuốc lá sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có ý thức bảo vệ sức khỏe và có quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Nên tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân, bạn bè và bác sĩ để việc cai thuốc lá được dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần thay đổi thói quen hằng ngày liên quan đến thuốc lá, luyện tập thể dục thể thao và sử dụng các loại kẹo ngậm thay thế./.

TỪNG BƯỚC ĐÁP ỨNG ĐỦ MÁU VÀ CÁC CHẾ PHẨM CỦA MÁU

Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, khoa Huyết học – truyền máu của bệnh viện Đà Nẵng đã không ngừng được đầu tư nâng cấp và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, thực hiện tốt công tác thu gom, sàng lọc, sản xuất chế phẩm, bảo quản và sử dụng nguồn máu, từng bước đáp ứng đủ máu và các chế phẩm của máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số bệnh viện của tỉnh Quảng Nam.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, toàn thành phố đã tiếp nhận được 20.911 đơn vị máu, trong đó có trên 99,5 lượng máu từ nguồn hiến máu tình nguyện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn máu đã được lựa chọn và đảm bảo an toàn ngay từ người cho máu. Tiếp đến, 100% đơn vị máu đều được xét nghiệm sàng lọc Viêm gan siêu vi B trước khi hiến máu, 100% đơn vị máu được sàng lọc 5 loại bệnh nhiễm trùng trước khi truyền bằng kỹ thuật Elisa tự động. Nhờ đó, đã giảm đi rất nhiều số lượng máu huỷ từ nguồn máu tình nguyện (từ 10,40% vào năm 2006 xuống còn 2,52% vào năm 2010, giảm 7,88%).
Nhờ áp dụng các kỹ thuật hiện đại để tách và sản xuất các chế phẩm máu, nên đã giảm được tỷ lệ truyền máu toàn phần, từng bước đáp ứng yêu cầu truyền máu từng phần theo phương châm “cần gì truyền nấy, không cần không truyền”. Nếu như năm 2006, tỷ lệ sử dụng máu toàn phần chiếm đến 71,6% thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 25,6 %, thay vào đó tỷ lệ sử dụng hồng cầu khối đã chiếm đến 74,4%. Tỷ lệ máu toàn phần, khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh được sử dụng nhiều hơn, trong khi khối tiểu cầu, tủa lạnh sử dụng với tỷ lệ rất thấp (gần 3%).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác an toàn truyền máu ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn một số những khó khăn, nhất là chưa có xe chuyên dụng trong các trường hợp lấy máu lưu động, hay thiếu máy ly tâm để tách chế phẩm máu…Vì vậy, để đáp đầy đủ nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu ngày càng tăng do việc ứng dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán về điều trị hiện đại thì việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị này là hết sức cần thiết.
Máu và chế phẩm máu là một loại thuốc điều trị đặc biệt, chỉ có thể được lấy từ người và không một chế phẩm nào khác có thể thay thế được. Hằng ngày có rất nhiều người bệnh cần truyền máu và được cứu chữa nhờ truyền máu, đặc biệt trong cấp cứu và điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy, đảm bảo tốt công tác an toàn truyền máu luôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh./.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

CÁCH VẮT SỮA VÀ BẢO QUẢN SỮA MẸ
Sữa mẹ đã được thiên nhiên thiết kế một cách vô cùng kỳ diệu với các thành phần thay đổi theo thời gian để đáp ứng một cách chính xác nhu cầu của trẻ, không có một thức ăn hay loại sữa bột nào có được đặc tính này. Vì vậy, cần phải cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh và cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, nếu phải đi làm trước 6 tháng, các bà mẹ cần vắt sữa và bảo quản sữa đúng cách để con bạn vẫn có sữa bú ngay cả khi bạn không có ở nhà.
@. Cách vắt sữa:
-         Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi vắt sữa. Đảm bảo tất cả bình chứa và dụng vụ vắt sữa được rữa sạch sẽ.
-         Làm mềm bầu vú bằng cách lau khăn ấm, tắm nước ấm và mát-xa hai bầu vú. Nâng bầu vú bằng một tay, mát-xa từ trên bầu vú xuống núm vú. Xoa xung quanh vú kể cả phía dưới vú. Ấn nhẹ vào vùng quầng vú (vùng da sẫm màu xung quanh núm vú) bằng ngón cái và ngón trỏ. Hai ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra.
@. Cách bảo quản:
-         Bảo quản sữa trong bình kín nhỏ, sạch và có nắp đậy. Không đổ đầy bình chứa. Không đỗ lẫn sữa mới vắt và sữa đã vắt trước đó.
-         Sữa mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng 2-3 giờ.  
-         Nếu có tủ lạnh, hãy bảo quản sữa ở trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh. Khi lấy ra, không đun sôi sữa mà hãy để bình chứa sữa trong một nồi nuớc nóng trong vài phút.
@. Lưu ý:
-         Đảm bảo trẻ được cho uống bằng cốc hoặc thìa. Không cho trẻ bú bình có núm vú vì có thể dẫn đến hiện tượng nhầm lẫn núm vú. Ngoài ra, bình bú với núm vú giả dễ bị nhiễm khuẩn và có thể làm trẻ bị tiêu chảy và một số bệnh khác.
-         Cho trẻ bú càng nhiều càng tốt khi bạn ở nhà, ví dụ như cho con bú ngay trước khi đi làm và ngay sau khi về nhà.
-         Cho trẻ bú càng nhiều càng tốt vào ban đêm - vì sữa sẽ được tiết ra nhiều hơn.

Dinh dưỡng cho trẻ ở các trường Mẫm non - Mẫu giáo

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO TRẺ
Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON - MẪU GIÁO

Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản thành phố Đà nẵng thì tỷ lệ trẻ em bị Suy dinh dưỡng tại các trường Mầm non - Mẫu giáo thấp hơn rất nhiều so với trẻ em được nuôi dưỡng tại các hộ gia đình. Vậy trẻ em ở đây được nuôi dưỡng như thế nào?

Theo sự phân chia của Y học, 1 đến 3 tuổi là tuổi nhà trẻ, 3 đến 6 tuổi là tuổi mẫu giáo. Ở mỗi lứa tuổi các cháu có những  đặc điểm về thể chất, tinh thần và vận động riêng biệt, do đó nhu cầu dinh dưỡng cơ bản và cần thiết cho sự tăng trưởng của các cháu cũng khác nhau về lượng. Còn về chất, các cháu cần được cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo 4 nhóm: đạm, chất béo, bột, rau quả. Do đó, đi đôi với công tác giáo dục, hiện nay các trường Mầm non - Mẫu giáo đều chú trọng đến công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần. Nhiều trường đã đầu tư xây dựng Phòng Y tế - Bếp ăn một chiều - Hệ thống tiệt trùng - Hệ thống xử lý nước…và thường xuyên kiểm tra chặt chẽ từ khâu tiếp phẩm đến khâu chế biến và cho trẻ ăn nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khẩu phần ăn của các cháu đều được nhà trường tính toán kỹ lưỡng dựa vào tuổi, cân nặng và tình trạng suy dinh dưỡng của mỗi cháu. Cô Vương Thị Nguyệt - Hiệu trưởng trường Mầm non Tư Thục Hồng Nhung, quận Thanh Khê đã cho biết: "Chương trình chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu tại trường đều dựa vào nhu cầu dinh dưỡng các chất phụ thuộc vào thể trạng của từng cháu. Hàng tháng, tuần chúng tôi đều lên thực đơn cụ thể và tiến hành cân đối theo các nhóm dinh dưỡng phù hợp...giúp trẻ nhanh chóng cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng nhưng cũng không để trẻ thừa cân báo phì".
Để đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu của trẻ thì số bữa ăn của trẻ trong ngày phải nhiều hơn người lớn. Do đó, ngoài các bữa ăn chính các cháu còn được bổ sung thêm 2 bữa ăn phụ. Riêng các cháu suy dinh dưỡng thì thêm 1 bữa phụ nữa. Trong mỗi bữa phụ trẻ được ăn nhẹ nhưng thành phần dinh dưỡng đã được tính trong khẩu phần hằng ngày như: uống sữa, ăn trái cây, ăn chè... Trọng lượng cơ thể trẻ được theo dõi hằng tháng và đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng, giúp các cô giáo đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng của các cháu mà điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp. Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, ngoài chế độ ăn đầy đủ, các trường còn tôn trọng chế độ sinh hoạt của các cháu. Việc vận động vừa phải, phù hợp với từng lứa tuổi ảnh hưởng rất tốt tới sự ngon miệng, gíúp cho các dịch tiêu hóa tiết ra đầy đủ, thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ tối đa. Sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động học tập, vui chơi và lao động vùa tạo cho trẻ có điều kiện rèn luyện thể lực, tăng khả năng khéo léo vừa  phát triển trí tuệ và mở rộng sự hiểu biết về môi trường xung quanh.
Có thể nói, mô hình dinh dưỡng ở các nhà trẻ và trường Mầm non - Mẫu giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em từ 1-6 tuổi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên lưu ý rằng nhà trẻ và trường Mầm non - Mẫu  giáo chỉ tính toán để cung cấp có 50-60% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Như vậy, lượng còn lại của khẩu phần là do các bậc cha mẹ đảm nhiệm. Hy vọng rằng, mọi gia đình hãy tìm hiểu và áp dụng phương pháp này cho con cái mình, nhất là bà con ở những vùng mà hoạt động bán trú tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo còn chưa phổ biến, góp phần hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện nòi giống trong tương lai./.

Thực phẩm ngừa ung thư

NHỮNG THỰC PHẨM GIÚP PHÒNG NGỪA BỆNH UNG THƯ
Ung thư được xem là một trong những căn bệnh nan y gây tử vong hàng đầu hiện nay trên Thế giới. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh ung thư hiện nay vẫn còn rất thấp. Do đó, bên cạnh một môi trường sống lành mạnh, thì một chế độ ăn uống với những thực phẩm có công dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả đang là lựa chọn hữu ích đối với tất cả mọi người.
1. Trà xanh
Nghiên cứu về các tác dụng của trà xanh, các nhà khoa học đều khẳng định trà xanh rất có lợi cho sức khoẻ. Uống một đến 2 tách trà xanh nóng hoặc lạnh mỗi ngày có thể giúp cơ thể hấp thụ một lượng lớn epigallocatechin gallate (EGCG) và catechins - đều là các thành phần giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt EGCG còn có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư dạ dày và ung thư phổi. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định, giá trị phòng ung thư của trà xanh và tác động chống lão hoá, chống nhiễm khuẩn của loại lá trà này.
2. Dâu tây
Dâu tây không chỉ là loại quả giàu vitamin và tác dụng làm đẹp da, mà còn là loại quả có chứa nhiều thành phần axits ellagic và các loại chất chống ôxy hoá polyphenol. Các thành phần này có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, ngăn chặn sự biến đổi của các tế bào và tăng cường sức đề kháng cho các tế bào trong cơ thể. Dâu tây được xem là loại quả giúp giảm béo và ngăn ngừa ung thư rất tốt.
3. Gừng và nghệ
 Gừng và nghệ không chỉ là gia vị trong chế biến thực phẩm mà còn là vị thuốc có nhiều tác dụng hiệu quả. Các nghiên cứu về tác dụng của gừng cho thấy, trong gừng có chứa nhiều thành phần chống nhiễm khuẩn có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư. Trong khi đó, các thành phần trong nghệ – một loại củ thuộc họ gừng còn có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Thành phần này có tên khoa học là curcumin.


4. Thực phẩm chứa folate
Các nghiên cứu về tác dụng của các loại vitamin đã cho thấy: Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 là thành phần vitamin duy nhất trong nhóm vitamin có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Khi cơ thể bị thiếu folate, hệ miễn dịch bị suy giảm và nguy cơ mắc ung thư tăng cao hơn bình thường. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo cần bổ sung đầy đủ vitamin B9 cho cơ thể để ngăn ngừa ung thư. Thực phẩm giàu folate bao gồm các loại rau xanh, các loại đậu hạt rất tốt cho sức khoẻ.
5. Rau cải
          Một số nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng: Các loại rau thuộc họ cải gồm cải xanh, cải bắp, xúp lơ, củ cải, cải bó xôi…. có chứa nhiều thành phần dinolylmethane, sulforaphane và element selenium là các thành phần chống lại quá trình ung thư và biến đổi tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, trong các loại cải bó xôi, củ cải, cà rốt và cà chua… còn có chứa rất nhiều beta carotene, lutein và zeaxanthin… có tác dụng ức chế sự phát triển của ung thư. Đây cũng là các thực phẩm giàu folate.
6. Rượu vang đỏ
Mặc dù uống nhiều rượu rất có hại cho sức khoẻ, song một chút rượu vang đỏ từ trái nho lại có chứa rất nhiều thành phần resveratrol (có trong vỏ quả nho) là thành phần ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và ung thư rất hiệu quả. Các nghiên cứu dinh dưỡng học đã chỉ rõ, uống một chút rượu vang đỏ mỗi ngày rất tốt cho hệ tim mạch, đông thời có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư gan, ung thư vú và ung thư dạ dày.
7. Vitamin D
          Các thực phẩm có chứa vitamin D đều rất tốt cho sức khoẻ, đồng thời có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư. Rất nhiều nghiên cứu về tác dụng của vitamin D đối với cơ thể con người đã cho thấy tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột và ung thư vú. Vitamin D có thể được hấp thụ qua da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, song theo các nhà khoa học nên bổ sung vitamin D cho cơ thể tốt nhất thông qua các loại thực phẩm như cá hồi, cá mòi, cá thu và nhiều loại cá biển khác.
8. Sôcôla
Từ lâu, hạt ca cao đã được biết đến là loại hạt có giá trị và rất tốt cho sức khoẻ. Người dân địa phương vùng Nam Mỹ coi  côca  là loại hạt dùng để chữa bệnh và cây côca được trồng rất nhiều ở vùng này. Sôcôla đen có chứa tới 70% ca cao, không chỉ là loại thực phẩm có vị rất hấp dẫn mà còn có chứa rất nhiều chất chống ôxy hoá và các polyphenols hữu ích. Ngoài ra trong sôcôla còn có chứa thành phần có tên gọi catechin (là thành phần có chứa nhiều trong trà xanh), có tác dụng phòng bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
(Theo Tạp chí Y học thực hành)

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

VỆ SINH NHÀ CỬA VÀ MÔI TRƯỜNG PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

VỆ SINH NHÀ CỬA VÀ MÔI TRƯỜNG PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
    Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, do vi rút Dengue gây ra. Muỗi vằn đốt hút máu người bệnh sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Muỗi thường sống ở trong nhà, trú đậu trong chỗ tối như: gầm bàn, gầm tủ, sau cánh cửa, trong buồng tối, chỗ treo mắc quần áo, chăn màn không được xắp xếp gọn gàng... Muỗi đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước như: chum, vại, bình hoa, và các vật dụng phế thải như: lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ... Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Để thực hiện vấn đề này, mọi người, mọi nhà và toàn thể cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

      1. Vệ sinh nhà cửa:
- Vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng mát; sắp xếp quần áo, chăn màn gọn gàng để muỗi không có nơi trú ẩn.
- Thường xuyên vệ sinh và đậy nắp các dụng cụ chứa nước: thùng, chum, vại, bể.
- Thay nước chum, vại, lu, hàng tuần.
- Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để cá ăn bọ gậy.
- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa, để muỗi không có nơi sinh sản.
- Mỗi gia đình cần tự diệt và xua muỗi bằng cách: dùng vợt điện diệt muỗi hoặc phun thuốc bằng loại bình phun cá nhân có bán trên thị trường.

     2. Vệ sinh môi trường:
- Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, san lấp các hố, vũng nước đọng.
- Thu gom, tiêu hủy, chôn lấp, lật úp các dụng cụ phế thải, vật dụng chứa nước xung quanh nhà, ngoài trời như: hốc cây, gốc tre, kẻ lá dừa, lá chuối, chum vại chứa nước, phuy nước, máng nước cho gia cầm, gia súc uống và các loại dụng cụ phế thải có chứa nước khác như các loại vỏ lon, đồ hộp, chai lọ, lốp xe hỏng, vỏ dừa.
- Khi có người bị sốt xuất huyết, cần báo ngay cho các cơ sở y tế để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đặc biệt là làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.
       3. Trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, chúng ta cần lưu ý:
- Việc phun thuốc diệt muỗi của Ngành Y tế thường được thực hiện trên diện rộng, khi vùng đó có dịch và có sự chỉ định của cơ quan y tế địa phương. Nhưng đây chỉ là biện pháp tức thời vì chỉ diệt được muỗi mà không diệt được trứng và bọ gậy/loăng quăng
-  Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tất cả mọi người, mọi gia đình và mọi tổ dân phố hãy tích cực tham gia diệt bọ gậy/loăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
   "Không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi, không có sốt xuất huyết", đó là điều năm trong tầm tay của mỗi chúng ta./.

Phòng tránh bệnh Tay - Chân - Miệng

          BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Bệnh tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh lây truyền bằng đường “phân - miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu là lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn, ghế, nền nhà,...



Bệnh Tay chân miệng thường tiến triển qua 4 giai đoạn là: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Ở từng giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
- Giai đoạn ủ bệnh: thường kéo dài từ 3-7 ngày và chưa xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày, bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày. Bệnh xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
  + Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
  + Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
 +  Sốt nhẹ.
 +  Nôn.
 +  Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
 + Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh.
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
       Ngoài các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán chính xác bệnh tay chân miệng, cần thực hiện thêm các xét nghiệm cơ bản về công thức máu, Protein C phản ứng, đường huyết, đo điện giải đồ, và chụp X quang phổi đối với các trường hợp có biến chứng nặng.
Hiện nay, bệnh Tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó nguyên tắc phòng chống dịch quan trọng là đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh, nhất là ở các Nhà trẻ, Mẫu giáo...

1. Tại các Nhà trẻ Mẫu giáo:
- Khi trẻ mắc bệnh không cho trẻ đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước. Khi có từ 02 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 07 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
- Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan Y tế trên địa bàn.
- Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng Chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc phải ngâm tráng nước sôi trước khi sử dụng.
- Bảo đảm tất cả trẻ em, người chăm sóc thực hiện tốt VS cá nhân: như VS răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi VS, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền theo đường “phân - miệng” khác như ăn chín, uống sôi.
      - Thường xuyên làm thông gió lớp học.
2 Tại gia đình bệnh nhân:
   - Bệnh nhân phải được cách ly. Khi có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,5˚C), thì phải đến ngay CSYT để khám và điều trị kịp thời .
   - BN đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện không để vi rút lây lan sang người khác.
   - Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng chloramin B;
   - Quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử trùng bằng nước đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;
   - Đối với người chăm sóc bệnh nhân: thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ; thường xuyên vệ sinh răng miệng.
   - Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh.
   - Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay - chân - miệng, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ các trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,...
       - Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.
      3. Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân:
- Cán bộ y tế phải áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua đường tiếp xúc để phòng ngừa lây lan trong bệnh viện:
- Rửa tay ngay bằng dung dịch sát trùng khi có tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân dù có hay không có mang găng tay.
- Mang trang phục phòng hộ cá nhân khi làm những thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo giọt bắn tới niêm mạc.
4. Đối với cộng đồng:
 Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân đặc biệt là những phụ huynh học sinh, người làm công tác hậu cần ở nhà trường các kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh Tay chân miệng.
   - Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hàng ngày.
   - Làm sạch bề mặt và khử trùng các vật dụng có thể nhiễm bẩn chất tiết và bài tiết của bệnh nhân bằng dung dịch sát khuẩn thông thường như xà phòng, chloramin B 2%. Các vật dụng có thể là đồ chơi, sàn nhà, thậm chí những nơi ít được để ý như lan can, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…
   - Che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi rút lây lan.
   - Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,5˚C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.