Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật

Khuyết tật là tình trạng giảm chức năng ở cấp độ cấu trúc cơ thể cá nhân hoặc xã hội, xảy ra khi một người có vấn đề về sức khỏe gặp phải các rào cản trong môi trường sống. Nói một cách đơn giản thì đó là những người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần dẫn đến giảm khả năng thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Khuyết tật có 3 cấp độ là khiếm khuyết, hạn chế hoạt động và hạn chế sự tham gia. Nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật có thể xuất hiện trước, trong và sau khi sinh, thường do cấu tạo sinh học cơ thể bà mẹ (nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu Rh, bệnh tật mắc phải..), sử dụng thuốc trong khi mang thai, sinh non, chấn thương và các yếu tố môi trường như bà mẹ sống trong môi trường ô nhiễm, hút thuốc, uống rượu, trẻ bị chấn thương sau sinh…
Theo điều tra của Ủy ban dân số Mỹ năm 1994-1995, có khoảng 10% trẻ dưới 15 tuổi bị giảm chức năng, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và 9,1% trẻ trong độ tuổi 0-14 được ghi nhận bị khuyết tật với 1,1% khuyết tật nghiêm trọng. Tại Việt Nam, trẻ em chiếm 36% dân số, trong đó ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi 0-17 tuổi (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó trẻ dưới 6 tuổi có tỷ lệ khuyết tật là 1,39% so với trẻ cùng độ tuổi. Các loại khuyết tật thường gặp là khuyết tật về nói, nghe, nhìn, vận động, học và khuyết tật hành vi, tình cảm và xã hội. Trong cộng đồng thường gặp nhất là khuyết tật về vận động (22,4%) và khuyết tật về nói (21,4%). Nguyên nhân của các loại khuyết tật gặp ở trẻ em là do bẩm sinh (55-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%).
• Thế nào là phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật?
Phát hiện sớm là sàng lọc phát triển của trẻ theo độ tuổi nhằm phát hiện những trẻ có yếu tố nguy cơ (bị bệnh lý di truyền, sinh non, bệnh tật...), bị chậm phát triển hoặc bị khuyết tật để có biện pháp hỗ trợ và can thiệp.
Can thiệp sớm là áp dụng bất kỳ một dịch vụ hoặc hình thức hỗ trợ nào nhằm vào trẻ, vào cha mẹ trẻ, hoặc gia đình và môi trường xung quanh nhằm hỗ trợ sự phát triển và hòa nhập của trẻ. Để can thiệp, đầu tiên phải nhận dạng được những dấu hiệu bất thường về thể chất, giác quan, tinh thần và hành vi của trẻ. Sau đó các dấu hiệu này sẽ được gia đình, cộng đồng, thầy cô hoặc các bác sĩ, chuyên gia tâm lý phát hiện một cách có hệ thống. Sau khi được phát hiện, trẻ sẽ được các nhà chuyên môn chẩn đoán để xác định rõ ràng loại khuyết tật và cuối cùng là tư vấn, hướng dẫn và huấn luyện cho các đối tượng liên quan tới trẻ bị khuyết tật cách chữa trị, các hình thức trị liệu phù hợp giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần.
          Phát hiện sớm, can thiệp sớm thường được thực hiện cho các trẻ em trong độ tuổi từ 0-6 tuổi, là giai đoạn phát triển quan trọng nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất. Thường được thực hiện qua 3 giai đoạn từ phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ đến xác định trẻ khuyết tật hoặc có dấu hiệu chậm phát triển, đồng thời xác định nhu cầu can thiệp y tế, giáo dục và xã hội và cuối cùng là tiến hành can thiệp bằng các biện pháp phù hợp với sự tham gia của gia đình và xã hội.
          Chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm tại Việt Nam được thực hiện từ năm 1987 trong chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Thông qua các cuộc điều tra hoặc khám sàng lọc, trẻ sẽ được phát hiện khuyết tật hoặc chậm phát triển, sau đó được can thiệp y tế hoặc giáo dục tùy theo tình trạng từng trẻ. Nhìn chung, các thiết kế của chương trình nghiêng nhiều về can thiệp giáo dục (kỹ năng giảng dạy, tổ chức trò chơi…). Qua chương trình này cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì những ảnh hưởng của khuyết tật sẽ giảm đi rất nhiều.
• Ý nghĩa của việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật:
Nếu trẻ bị khuyết tật mà không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu trẻ khuyết tật và chậm phát triển được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì hiệu quả phục hồi rất nhanh và phát huy được tối đa khả năng còn lại. Đồng thời, ngăn chặn quá trình suy thoái và cải thiện chức năng cho trẻ, giúp trẻ phát triển tương đối bình thường so với trẻ không khuyết tật, phòng tránh khuyết tật thứ phát. Điều này sẽ vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển và thành công của trẻ sau này.
 Không những giúp trẻ duy trì được nhịp độ phát triển mà đối với gia đình, đặc biệt là cha mẹ trẻ, giúp họ dễ chấp nhận khuyết tật của con em mình hơn cũng như tích cực hỗ trợ trẻ hòa nhập cuộc sống. Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật và làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ, do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội do tội phạm, thất nghiệp hoặc trợ cấp xã hội.
• Vai trò và trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật:
- Vai trò và trách nhiệm của gia đình: Gia đình, nhất là người mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát hiện trẻ có dấu hiệu và chăm sóc, giáo dục các trẻ bị khuyết tật: Cha mẹ và người thân của trẻ là những đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với trẻ, do đó sẽ dễ dàng nhận ra các dấu hiệu khiếm khuyết trong sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý… so với ngưỡng phát triển bình thường của trẻ cùng lứa tuổi. Trên cơ sở đó, hợp tác với cán bộ y tế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, điều trị tốt nhất cho trẻ. Gia đình còn phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi để trẻ tham gia vào các hoạt động như những trẻ bình thường khác.
          - Vai trò và trách nhiệm của xã hội: tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trẻ trong mọi hoạt động, để trẻ dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng và được hưởng những quyền lợi như những trẻ bình thường khác. Ngành Y tế, Giáo dục, Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban Nhân dân các cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với trẻ em khuyết tật.
+ Ngành Y tế đóng vai trò và trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và có các can thiệp về y tế như khám và quản lý thai nghén để phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai nhi và khám sàng lọc khuyết tật ở các lứa tuổi. Tiến hành các hoạt động trị liệu hoặc phẫu thuật chỉnh hình… nhằm đưa trẻ về với trạng thái phát triển tốt nhất có thể.
+ Ngành Giáo dục, nhất là các trường mầm non, tiểu học và các trường chuyên biệt là nơi có thể phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của trẻ trong quá trình học tập và tiếp nhận các trẻ bị khuyết tật để có các can thiệp về giáo dục như tổ chức giờ dạy, tổ chức trò chơi, giúp trẻ hòa nhập với những trẻ bình thường khác. Lãnh đạo Ngành Giáo dục phải có những chính sách để trẻ bị khuyết tật được đến trường tham gia vào môi trường học tập như những trẻ cùng lứa tuổi.
+ Ngành Lao động thương binh và xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản chính sách, hướng dẫn thực hiện và tạo môi trường thuận lợi để các trẻ khuyết tật khi lớn lên được học nghề và có việc làm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thực tế hiện nay, trẻ khuyết tật, nhất là các trẻ khuyết tật nặng (thường gặp ở các trẻ nhiễm chất độc màu da cam) đang là gánh nặng của nhiều gia đình và của toàn xã hội. Trẻ thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử và rất nhiều trẻ không được đến trường. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời thì các nguy cơ về khuyết tật khi trẻ lớn lên sẽ giảm rất nhiều. Chính vì vậy, các trẻ bị khuyết tật sau sinh cần được sự hỗ trợ đặc biệt của toàn xã hội và gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng để trẻ phát triển như những trẻ bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét