Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG ĐỂ TIẾN TỚI THANH TOÁN BỆNH LAO Ở VIỆT NAM

          Với sự nỗ lực không ngừng của Chương trình chống Lao Quốc gia (CTCLQG), chúng ta mới phát hiện được gần 60% số bệnh nhân Lao mới và khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm. Trước những khó khăn và thách thức đó, mục tiêu đề ra của Chương trình chống Lao Quốc gia là đến năm 2015, giảm 50% số người mắc Lao so với năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh Lao vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu chống lao ở nước ta đến năm 2015, bắt đầu ngay từ năm 2011 đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện trong chiến lược chống lao đó là đổi mới tư duy, có sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp, tăng cường đầu tư đủ nguồn lực, mở rộng các đối tác tham gia công tác chống Lao ở tất cả các lĩnh vực và tất cả các tuyến, áp dụng kỹ thuật mới, các thuốc mới, các vắc xin mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh Lao, đồng thời yêu cầu cần có phương pháp tiếp cận mới để mọi người dân có thể tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh Lao có chất lượng cao.
Các thông điệp mà Chương trình chống Lao đưa ra nhân Ngày Thế giới chống Lao là:
1. Đổi mới tư duy, cam kết chính trị mạnh mẽ, tăng cường đầu tư nguồn lực.
Cần duy trì thường xuyên hoạt động vận động chính sách và huy động xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng chống và thanh toán bệnh Lao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội thảo với chính quyền các cấp, báo chí, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh thành đạt ở Trung ương và địa phương.
2 . Phải vượt qua mọi khó khăn để tiến tới một đất nước không còn bệnh Lao
          Hàng năm, CTCLQG phát hiện và chữa khỏi cho gần 100 nghìn bệnh nhân Lao, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta cần hành động nhanh hơn nữa để xoá bỏ rào cản về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh Lao, xoá bỏ sự thiếu hụt nguồn lực, sự yếu kém của tổ chức mạng lưói để đạt được mục tiêu chống Lao của nước ta vào năm 2015. Kể từ ngày hôm nay cho đến năm 2015, nếu chúng ta hành động chậm một bước thì sẽ có khoảng nửa triệu người mắc bệnh Lao và ít nhất  gần 100 nghìn người sẽ chết oan uổng vì bệnh Lao vì không được cứu chữa kịp thời.
          3. Nhanh chóng áp dụng các thành tựu khoa học mới
Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu khoa học đã thành công, đó là các kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh Lao thông thường và bệnh Lao kháng thuốc, những thuốc chống Lao mới đã được sản xuất, phác đồ điều trị Lao có hiệu lực hơn để rút ngắn thời gian điều trị bệnh Lao từ 8 tháng như hiện nay xuống còn 4 tháng, hiệu quả điều trị cao hơn đang được thử nghiệm và vắc xin mới phòng bệnh Lao có hiệu quả hơn cho mọi lứa tuổi cũng sắp ra đời. CTCLQG cần được đầu tư đủ tiền để có thể đưa các kỹ thuật mới vào áp dụng trong công tác phòng chống Lao.
4. Mở rộng đối tác và hợp tác để có mạng lưới cung cấp dịch vụ phòng chống Lao, tạo điều kiện cho tất cả người mắc bệnh Lao đều có thể được hưởng lợi.
          Hiện nay, CTCLQG đang áp dụng những chuẩn quốc tế về chẩn đoán và chăm sóc miễn phí cho người bệnh Lao. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn còn hơn một phần ba số người mắc bệnh Lao không tiếp cận được dịch vụ này. Chúng ta cần mở rộng đối tác, tăng cường hợp tác hơn nữa (ví dụ: tăng cường tìm các đối tác giàu tiềm lực, tăng cường hợp tác giữa các chương trình y tế, tăng cường phối hợp y tế công – công, y tế công – tư ) để hợp sức lại triển khai hướng tiếp cận phổ cập chăm sóc cho mọi người bệnh Lao trong cộng đồng.
5. Đạt được các mục tiêu mới về điều trị bệnh nhân Lao kháng đa thuốc.
          Để có thể kiểm soát được bệnh Lao kháng đa thuốc, chúng ta cần có sự cam kết chính trị và đầu tư mạnh mẽ hơn của Chính phủ, sự tham gia của nhiều lực lượng y tế và cộng đồng. Chúng ta cần đạt được các mục tiêu của kế hoạch chống Lao vào năm 2015 về quản lý bệnh lao kháng đa thuốc là:  Tất cả người bệnh Lao kháng đa thuốc phải được chẩn đoán chính xác và được điều trị hiệu quả.
6. Phấn đấu để không còn bệnh nhân Lao/HIV tử vong.
          Mục tiêu của CTCLQG vào năm 2015, giảm 50% số người tử vong do Lao/HIV và 100% bệnh nhân Lao được làm xét nghiệm phát hiện HIV, và 100% số người có HIV được quản lý sẽ được sàng lọc phát hiện bệnh Lao. Tất cả người có HIV sẽ được điều trị dự phòng hoặc điều trị thuốc chống Lao phù hợp. Năm 2011 là thời điểm phải nâng cấp toàn diện để thực hiện tiếp cận phổ cập các dịch vụ Lao/HIV.
Hồ Tâm
(Theo Chương trình chống Lao Quốc gia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét