Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH

Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen khi mắc những bệnh thông thường như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau bụng... là tự mua thuốc để điều trị ngay cả với các loại thuốc kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý như vậy không những không khỏi bệnh mà còn có thể dẫn dến hiện tượng kháng thuốc có hại cho người bệnh và cộng đồng. Sau đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh:
1. Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn vì kháng sinh không trị được những bệnh nhiễm virus (như cảm cúm). Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp là viêm tai mũi họng (như viêm xoang, viêm tai giữa), viêm đường hô hấp (như viêm phế quản, viêm phổi), viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da... Chỉ có bác sĩ điều trị dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh, các xét nghiệm và làm kháng sinh đồ mới xác định bệnh nhân có nhiễm khuẩn hay không và quyết định loại kháng sinh gì.
2. Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Đặc biệt đối với trẻ em, khi nghi ngờ trẻ bị bệnh do nhiễm khuẩn, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc. Chỉ có bác sĩ mới biết rõ khi nào cần phải sử dụng kháng sinh, dùng loại kháng sinh nào và hướng dẫn dùng đúng thuốc, đúng cách, đủ liều, đủ thời gian. Lưu ý để tránh hiện tượng vi khuẩn kháng lại kháng sinh đã nêu trên, phải dùng thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian như bác sĩ đã chỉ định.
3. Phải có sự hiểu biết về thể trạng người bệnh. Ðặc biệt đối với phụ nữ có thai, người già, người bị suy gan, suy thận, chỉ có bác sĩ điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh.
4. Phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh phải thật hợp lý. Chỉ có những trường hợp đặc biệt bác sĩ mới cho dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa. Thí dụ, dùng kháng sinh phòng ngừa trong phẫu thuật do nguy cơ nhiễm khuẩn hậu phẫu. Hoặc người bị viêm nội tâm mạc đã chữa khỏi vẫn phải dùng kháng sinh để ngừa tái nhiễm.
5. Không tự ý ngưng sử dụng kháng sinh nửa chừng hoặc sử dụng kéo dài: Thông thường, một số kháng sinh dùng đủ liều cho cả đợt điều trị phải kéo dài từ 7-10 ngày, thậm chí có thể lâu hơn tùy theo loại bệnh và tiến triển của bệnh. Nhiều người thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đã ngưng dùng thuốc, điều này sẽ làm cho bệnh tái phát trở lại, và có thể ảnh hưởng đến cộng đồng vì làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh. Còn nếu sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm.
6. Không nên dùng lại kháng sinh đã dùng còn thừa mà quá hạn sử dụng vì nhiều kháng sinh quá hạn dùng có độc tính rất cao (như Tetracyclin gây độc cho thận).
7. Không tự ý sử dụng toa thuốc của người khác khi thấy bệnh của họ hơi giống bệnh của mình, bởi vì triệu chứng bệnh có vẻ giống nhưng nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau. Chẳng hạn như sốt không phải là triệu chứng của mọi bệnh nhiễm khuẩn. Hơn nữa, một kháng sinh có thể thích hợp cho người này nhưng lại không thích hợp, thậm chí còn gây tai biến nặng nề cho người khác.
Kháng sinh nằm trong danh mục các loại thuốc cấm bán khi không có đơn của bác sĩ. Thế nhưng hiện nay, việc mua bán thuốc kháng sinh không cần đơn của bác sĩ diễn ra phổ biến cộng với thói quen tự ý sử dụng thuốc bừa bãi đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng thêm nhiều trường hợp dị ứng thuốc, thậm chí biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng và đặc biệt là dẫn đến hiểm họa tăng vi khuẩn kháng thuốc. Để giảm bớt tình trạng này, mỗi người chúng ta hãy tự có trách nhiệm, tuân thủ theo đơn thuốc cảu bác sĩ và không tùy tiện sử dụng kháng sinh. Tốt nhất là khi bị bệnh thì nên tới bác sĩ khám và điều trị dùng thuốc chứ không nên tùy tiện đi mua thuốc về dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét