Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Dinh dưỡng cho trẻ ở các trường Mẫm non - Mẫu giáo

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO TRẺ
Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON - MẪU GIÁO

Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản thành phố Đà nẵng thì tỷ lệ trẻ em bị Suy dinh dưỡng tại các trường Mầm non - Mẫu giáo thấp hơn rất nhiều so với trẻ em được nuôi dưỡng tại các hộ gia đình. Vậy trẻ em ở đây được nuôi dưỡng như thế nào?

Theo sự phân chia của Y học, 1 đến 3 tuổi là tuổi nhà trẻ, 3 đến 6 tuổi là tuổi mẫu giáo. Ở mỗi lứa tuổi các cháu có những  đặc điểm về thể chất, tinh thần và vận động riêng biệt, do đó nhu cầu dinh dưỡng cơ bản và cần thiết cho sự tăng trưởng của các cháu cũng khác nhau về lượng. Còn về chất, các cháu cần được cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo 4 nhóm: đạm, chất béo, bột, rau quả. Do đó, đi đôi với công tác giáo dục, hiện nay các trường Mầm non - Mẫu giáo đều chú trọng đến công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ giúp trẻ phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần. Nhiều trường đã đầu tư xây dựng Phòng Y tế - Bếp ăn một chiều - Hệ thống tiệt trùng - Hệ thống xử lý nước…và thường xuyên kiểm tra chặt chẽ từ khâu tiếp phẩm đến khâu chế biến và cho trẻ ăn nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khẩu phần ăn của các cháu đều được nhà trường tính toán kỹ lưỡng dựa vào tuổi, cân nặng và tình trạng suy dinh dưỡng của mỗi cháu. Cô Vương Thị Nguyệt - Hiệu trưởng trường Mầm non Tư Thục Hồng Nhung, quận Thanh Khê đã cho biết: "Chương trình chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu tại trường đều dựa vào nhu cầu dinh dưỡng các chất phụ thuộc vào thể trạng của từng cháu. Hàng tháng, tuần chúng tôi đều lên thực đơn cụ thể và tiến hành cân đối theo các nhóm dinh dưỡng phù hợp...giúp trẻ nhanh chóng cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng nhưng cũng không để trẻ thừa cân báo phì".
Để đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu của trẻ thì số bữa ăn của trẻ trong ngày phải nhiều hơn người lớn. Do đó, ngoài các bữa ăn chính các cháu còn được bổ sung thêm 2 bữa ăn phụ. Riêng các cháu suy dinh dưỡng thì thêm 1 bữa phụ nữa. Trong mỗi bữa phụ trẻ được ăn nhẹ nhưng thành phần dinh dưỡng đã được tính trong khẩu phần hằng ngày như: uống sữa, ăn trái cây, ăn chè... Trọng lượng cơ thể trẻ được theo dõi hằng tháng và đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng, giúp các cô giáo đánh giá được tình trạng suy dinh dưỡng của các cháu mà điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp. Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, ngoài chế độ ăn đầy đủ, các trường còn tôn trọng chế độ sinh hoạt của các cháu. Việc vận động vừa phải, phù hợp với từng lứa tuổi ảnh hưởng rất tốt tới sự ngon miệng, gíúp cho các dịch tiêu hóa tiết ra đầy đủ, thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ tối đa. Sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động học tập, vui chơi và lao động vùa tạo cho trẻ có điều kiện rèn luyện thể lực, tăng khả năng khéo léo vừa  phát triển trí tuệ và mở rộng sự hiểu biết về môi trường xung quanh.
Có thể nói, mô hình dinh dưỡng ở các nhà trẻ và trường Mầm non - Mẫu giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em từ 1-6 tuổi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên lưu ý rằng nhà trẻ và trường Mầm non - Mẫu  giáo chỉ tính toán để cung cấp có 50-60% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Như vậy, lượng còn lại của khẩu phần là do các bậc cha mẹ đảm nhiệm. Hy vọng rằng, mọi gia đình hãy tìm hiểu và áp dụng phương pháp này cho con cái mình, nhất là bà con ở những vùng mà hoạt động bán trú tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo còn chưa phổ biến, góp phần hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện nòi giống trong tương lai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét