Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

TÌNH HÌNH BỆNH LAO TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Hiện nay, Lao vẫn là một bệnh có nguy cơ cao nhất về số lượng người nhiễm bệnh, người mắc và số người tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 1/3 dân số toàn cầu nhiễm Lao. Trong năm 2009, có 9.400.000 trường hợp Lao mới (trong đó có 3.300.000 phụ nữ và 1.100.000 trường hợp đồng nhiễm lao/HIV); 1,7 triệu người chết do Lao (380.000 trường hợp là phụ nữ), tương đương với 4.700 trường hợp tử vong trong một ngày. Bệnh Lao là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 15-44. Tỷ lệ Lao kháng đa thuốc (MDR- TB) ước tính chiếm 3,3% trong tất cả các trường hợp Lao mới và Lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) đã được xác nhận ở 58 nước.
Năm 2009, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh Lao cao trên toàn cầu. Điều đặc biệt là hiện nay đang có sự gia tăng bệnh Lao ở lứa tuổi trẻ, nam thanh niên từ 15 đến 24 tuổi. Hàng năm, Việt Nam có thêm khoảng 180.000 người mắc bệnh Lao, khoảng 6.000 bệnh nhân Lao kháng đa thuốc và trên 20.000 người chết do Lao; tỷ lệ nhiễm HIV trong bệnh nhân Lao ước tính là 8,1%, tăng so với mức 5% của năm 2008. Theo điều tra của WHO, tỉ lệ kháng thuốc Lao ở thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 3 lần so với Mỹ, 5 lần so với Anh và gấp 4 lần tỉ lệ trung bình của thế giới (9,9%).
Bệnh Lao đã tác động mạnh tới 70% đối tượng lao động chính của xã hội, làm lực lượng sản xuất bị giảm sút, năng suất lao động giảm và mùa màng, kinh doanh, buôn bán sẽ không tham gia được. Bệnh Lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói kéo dài dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế xã hội. Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy, mỗi bệnh nhân Lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh Lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập.
Trong 2 năm 2006-2007, Chương trình chống Lao Quốc gia (CTCLQG) đã tiến hành một Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước để đánh giá thực chất tình hình bệnh Lao ở Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy, chúng ta chỉ mới phát hiện được dưới mức 60% số bệnh nhân Lao hiện có trong cộng đồng và khoảng 10% số bệnh nhân Lao kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm, vẫn còn một số lượng đáng kể bệnh nhân Lao trong cộng đồng chưa phát hiện được. Chúng ta cần phải hành động nhanh hơn nữa để xóa bỏ mọi rào cản từ phía y tế cũng như từ phía người bệnh và cộng đồng để tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ khám chữa bệnh Lao nhằm phát hiện được nhiều nhất các trường hợp mắc bệnh và chữa khỏi với tỷ lệ cao nhất. Theo tính toán của CTCLQG, nếu chúng ta không hành động thì từ nay cho đến năm 2015 sẽ có khoảng 100.000 người dân mắc bệnh Lao chết oan uổng vì không được phát hiện bệnh Lao và cứu chữa kịp thời. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là phải tăng số bệnh nhân Lao được phát hiện hàng năm.
Tình hình bệnh Lao tại Thành phố Đà Nẵng qua các năm:

Năm
Số bệnh nhân lao AFB(+) mới /số bệnh nhân Lao mọi thể phát hiện hàng năm
Tỷ lệ phát hiện  Lao phổi AFB(+) mới  >=15 tuổi /100.000 dân
Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện (PDR)
Tỷ lệ phát hiện của CTCL thành phố Đà Nẵng (CDR) %
2000
789/1.236
116.7
0,75
60
2001
808/1.274
111.7
0,72
59
2002
896/1.394
120.7
0,78
61
2003
839/1.357
111.5
0,72
59
2004
897/1.497
119,0
0,76
60
2005
835/1.386
107,0
0,69
58
2006
901/1.414
113,5
0,73
59
2007
929/1.522
116,3
0,75
60
2008
838/1.466
105,1
0,67
57
2009
771/1.469
94,7
0,61
55
2010
868/1.537
97,6
0.63
56
Tổng
9.371/15.552




Qua số liệu từ năm 2000 đến 2010, Chương trình chống Lao thành phố Đà Nẵng đã thu nhận điều trị cho tổng số 15.552 bệnh nhân Lao mọi thể, trong đó, số bệnh nhân Lao phổi có vi trùng Lao trong đờm (AFB(+)) mới là 9.371 người. Với tỷ lệ điều trị khỏi trên 92%, chúng ta đã chữa lành cho 14.307 bệnh nhân Lao và trả họ về với cuộc sống lao động bình thường. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng là địa phương làm rất tốt công tác chống lao, phát hiện được nhiều bệnh nhân lao. Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp 2008, 2009 và 2010, số bệnh nhân Lao phổi AFB(+) được phát hiện có giảm hơn so với những năm trước, nguyên nhân là do những khó khăn về công tác khám phát hiện, chủ yếu ở huyện Hòa Vang (khó khăn về cơ sở làm việc, ...) và khó khăn ở một số quận khác về nhân lực.
Nếu so sánh với kết quả điều tra dịch tễ Lao toàn quốc năm 2006-2007 thì thành phố Đà Nẵng cũng chỉ mới phát hiện được khoảng dưới 60% số bệnh nhân Lao là  nguồn lây có trong cộng đồng, điều này có nghĩa là vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân Lao có vi trùng Lao trong đờm đang lưu hành trong cộng đồng chưa được phát hiện. Nếu vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ phát hiện như hiện nay, chúng ta không thể đạt mức giảm số người mắc Lao, số bệnh nhân Lao chưa phát hiện được sẽ tiếp tục lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.
Chủ đề của Chiến dịch Ngày Thế giới chống Lao 24/3/2011 là “Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam” nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và cộng đồng, tăng cường hơn nữa sự cam kết chính trị và đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền cho công tác chống Lao.

Huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác chống Lao, mọi người hãy thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hành động để có những quyết định thiết thực hơn góp phần vào công cuộc phòng chống bệnh Lao. Công tác chống Lao ở địa phương có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhân lực, tài chính và xây dựng chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác chống Lao của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Phòng chống bệnh Lao là một trong những tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương.

ThS Lê Thành Phúc
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét