Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỰ PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỰ PHÒNG
UNG THƯ CỔ TỬ CUNG?

     Hiện nay, Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư vú. Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, trong các loại ung thư ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 30 – 59 tuổi. Đối với ung thư cổ tử cung, quá trình phát triển của một tế bào bình thường đến ung thư được chia ra làm 4 giai đoạn chính, từ nhẹ đến nặng như sau: Giai đoạn 1 là bị nhiễm một loại virus có tên gọi tắt là HPV, Giai đoạn 2 là tiền ung thư, Giai đoạn 3 là ung thư chưa di căn, Giai đoạn sau cùng là ung thư di căn, tức là tế bào ung thư đã xâm lấn sang các bộ phận khác, và đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Phần lớn phụ nữ mắc bệnh trong giai đoạn này là 50 tuổi trở lên, tức sau thời kỳ mãn kinh. Vậy, làm thế nào để dự phòng ung thư cổ tử cung:
          Một là: Sống chung thủy một vợ một chồng:
          Nếu một người phụ nữ có nhiều bạn tình, khả năng lây nhiễm virus HPV càng cao. Họ có thể nhiễm virus này từ người đàn ông này hay từ người đàn ông khác. Chung thủy một vợ một chồng còn là cách phòng tránh an toàn các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
          Hai là: Không quan hệ tình dục sớm:
Quan hệ tình dục sớm khi ở tuổi dậy thì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV bởi vì màng nhầy ở các em gái tuổi dậy thì vô cùng nhạy cảm cộng thêm cơ thể của các em ở giai đoạn này bảo vệ rất kém trước sự tấn công của các virus gây bệnh.
Ba là: Nói không với thuốc lá và rượu bia:
Theo các chuyên gia y học, các chất trong thuốc lá và rượu bia sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo và cổ tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Thống kê cho thấy, những phụ nữ đã hút thuốc hoặc đang hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 2 – 3 lần so với phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc. Sử dụng thuốc lá và rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cho người dùng mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác.
Bốn là: Tiêm vaccine trước lần quan hệ đầu tiên:
Tiêm vaccine trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em hạn chế được tới 70% nguy cơ. Nhiều năm sau cần phải tiêm lại, tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của loại vaccine này kéo dài trong ít nhất là 4  - 5 năm.
Năm là: Thăm khám phụ khoa định kỳ:
Ngay cả khi bạn đã tiêm vaccine, hãy đi khám phụ khoa định kỳ. Bác sỹ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về cách phòng tránh và nhận biết dấu hiệu của bệnh. Phát hiện bệnh sớm cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp việc điều trị nhanh và hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét