Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ BỊ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ

     Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng - nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ là trẻ đã bị tiêu chảy. Tiêu chảy dễ gây ra tình trạng mất nước và đe dọa tới tính mạng. Hầu hết các trường hợp bị tiêu chảy có thể chăm sóc và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chăm sóc trẻ một cách đúng đắn, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần làm tốt các nguyên tắc sau đây:
1.     Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy.
     Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và ói. Vì vậy phải cho trẻ uống bù nước ngay khi biết trẻ bị tiêu chảy. Nước uống tốt nhất cho trẻ khi bị tiêu chảy là dung dịch Oresol (hay còn gọi là ORS).
      Đây là gói ORS dùng để chống mất nước. Trong gói này hướng dẫn khá cụ thể về cách pha, tuy nhiên để quí vị hiểu thêm chúng tôi xin hướng dẫn cách pha như sau:
     Trước tiên đong đầy 1 lít nước sôi để nguội. Chúng ta có thể dùng 2 chai nước khoáng loại 500ml để đong. Mở gói ORS và cho hết gói vào nước (không được chia nhỏ để pha làm nhiều lần), khuấy đều cho tan hết dung dịch ORS, đậy nắp lại và  uống trong 24 giờ.
    * Chú ý:
+ Chỉ pha gói ORS với nước sạch. Không được pha với sữa, nước khoáng, nước canh hoặc nước ngọt v.v. Tuyệt đối không cho thêm đường.
+ ORS đã pha chỉ được sử dụng trong vòng 24 giờ. Nếu sau 24 giờ mà vẫn chưa uống hết thì nên đổ đi và pha gói khác.
2. Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh.
Ðể trẻ không bị sụt cân khi tiêu chảy, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn của trẻ trong những ngày này cần mềm hơn, lỏng hơn, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để giúp trẻ tiêu hóa dễ hơn và ăn ngon miệng hơn. Nếu trẻ đang bú mẹ, thì sữa mẹ là nguồn thực phẩm quí giá cho trẻ trong lúc này, vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.
3.     Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
-         Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
-         Tiêu chảy trên 4 ngày
-         Nước tiểu ít hoặc sẫm màu
-         Đau bụng dữ dội
-         Mắt trũng
-         Trẻ rất khát nước
-         Trẻ ói liên tục
-         Trẻ sốt cao (trên 390C)
-         Trẻ đi phân có máu
-         Trẻ li bì, khó đánh thức
-      Trẻ có co giật
     4. Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ: Ðể trẻ ít bị mắc bệnh tiêu chảy, cần lưu ý giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc trẻ và cho trẻ ăn; tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh; tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi. Luôn nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét