Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG TRÁNH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?

1. Nguyên nhân gây bệnh Sốt xuất huyết? 
 Bệnh sốt xuất huyết là do Virut Dengue gây nên. Muỗi là vật trung gian đem virut từ các loài vật truyền cho người. Người bị muỗi mang virút nầy đốt sẽ trở thành người nhiễm virut Dengue, sau 4 đến 6 ngày sẽ phát thành bệnh sốt xuất huyết. Khoa học cũng đã chứng minh, bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác là do một loại muỗi vằn có tên gọi là Aedes Aegypti.  Loài muỗi này đã hút máu có Virut Dengue từ người bệnh rồi truyền cho người lành. Bất cứ ai cũng có thể bị muỗi này đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết.
2 2. Muỗi vằn Aedes Aegypti có những đặc điểm gì?
-         Muỗi vằn Aedes Aegypti được phát triển qua 4 giai đoạn là: Trứng - Bọ gậy - Loăng quăng và Muỗi trưởng thành.
-         Đặc điểm chính của muỗi vằn Aedes Aegypti là có màu đen, trên chân và dưới khoang bụng có nhiều khoang trắng, đen xen kẽ; trên phần lưng có đám vảy trắng.
-          Muỗi vằn thường sống gần nơi sinh hoạt của người, chúng ưa đậu nơi tối, ẩm, kín đáo như phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp. Chúng thường đậu ở mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo trên tường, rèm cửa và bề mặt tường. Khi trú đậu, tư thế thân muỗi song song với giá đậu.
Muỗi vằn chủ yếu hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
3.Trứng của muỗi truyền bệnh SXH có những đặc điểm gì?
-         Muỗi vằn thích đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước do chính con người làm ra ở trong và xung quanh nhà như: bể, lu, chum, vại, bát nước kê chân chạn, các vật thải chứa nước, lốp xe, vỏ dừa.., môi trường thích hợp để muỗi đẻ trứng là nước trong, không chảy.
-         Trứng này có đặc tính bám chặt vào thành chứa nước và có khả năng chịu đựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khô hạn trong vòng 6 tháng.
Vi rút Dengue tồn tại được trong tế bào trứng của muỗi, ngay sau khi phát triển thành muỗi trưởng thành sẽ truyền bệnh SXH ngay cho người lành.
4. Bọ gậy có những đặc điểm gì?
-         Sau khi muỗi cái Aedes Aegypti đẻ trứng khoảng 1 đến 3 ngày thì sẽ phát triển thành bọ gậy/loăng quăng.
-         Bọ gậy Aedes thường nằm chếch 1 góc nhọn so với mặt nước, chúng có thể phát triển tốt ở cả hai loại nước sạch và nước giàu chất hữu cơ. 
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là ngăn không cho muỗi đẻ trứng, diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và không cho muỗi đốt.
5.Làm thế nào để ngăn ngừa không cho muỗi đẻ trứng?
     Ngăn không cho muỗi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước là biện pháp hữu hiệu nhất mà mỗi người dân cần làm để phòng tránh sốt xuất huyết. Không có trứng thì không có bọ gậy, loăng quăng, không có muỗi vằn.
     Để ngăn không cho muỗi đẻ trứng, mọi người, mọi nhà cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Đậy nắp thật kín hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước có ích hoặc đang sử dụng như: lu, chum, vại, thùng phuy, bể chứa nước mưa,... 
+ Thường xuyên cọ rửa, thay nước ở các dụng cụ chứa nước này ít nhất một tuần một lần.
+ Bỏ muối hoặc một ít dầu vào các chén nước kê chân chạn, giường, tủ...
+ Thay nước ít nhất một lần trong một tuần hoặc bỏ cát ẩm vào các lọ hoa, cây thần tài
6.Làm thế nào để diệt  bọ gậy, loăng quăng một cách hiệu quả?
     Loại bỏ bọ gậy, loăng quăng là loại bỏ nguồn gốc sốt xuất huyết. Đây là công việc và cũng là trách nhiệm của chính bản thân mỗi người, mỗi gia đình và mỗi tổ dân phố. Để làm được điều này, mọi người cần phải:
+ Thu dọn rác, trong đó bao gồm cả các dụng cụ phế thải xung quanh nhà như: chai, lọ, lu, chén bát vỡ, vỏ đồ hộp, vỏ hộp nhựa, lốp xe hỏng... , cho vào túi nhựa chuyển tới nơi vận chuyển rác của địa phương. Nếu không có hệ thống thu gom và vận chuyển rác, thì các loại phế thải này phải được chôn.
+ Úp ngược các dụng cụ gia đình để ở ngoài vườn không sử dụng đến như: xô, chậu, bát, máng nước cho gia cầm...
+ Lấp các hốc cây bằng ximăng hoặc cát, sửa chữa các máng nước bị hỏng, khơi thông các phần bị tắc .
+ Xử lý các kẽ lá cây (chuối, cọ, dừa….) bằng cách chọc thủng, hoặc cho hoá chất vào.
+ Dọn sạch các phần còn lại sau thu hoạch như: vỏ dừa, thân cây dừa..., tát cạn nước trong những xuồng máy hoặc lật úp thuyền nhỏ khi không sử dụng
+ Dùng vợt loại bỏ hết số lượng lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước lớn.
7.Làm thế nào để diệt muỗi và không cho muỗi đốt?
    Mọi người có thể tự bảo vệ mình, tránh không để muỗi đốt phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách:
+ Thường xuyên mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn, kể cả ban ngày.
+ Cho người bệnh nằm trong màn tránh muỗi đốt.
+ Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ có tác dụng làm giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi
+ Dùng rèm, mành tẩm hoá chất diệt muỗi che cửa hạn chế và diệt muỗi.
+ Diệt muỗi bằng các hoá chất như: phun hoá chất, tẩm màn, thắp hương muỗi, dùng bình xịt hoặc vợt điện diệt muỗi.v.v...    
8.Trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, chúng ta cần lưu ý:
-         Việc phun thuốc diệt muỗi của Ngành Y tế thường được thực hiện trên diện rộng, khi vùng đó có dịch và có sự chỉ định của cơ quan y tế địa phương. Nhưng đây chỉ là biện pháp tức thời vì chỉ diệt được muỗi mà không diệt được trứng và bọ gậy/loăng quăng
-         Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tất cả mọi người, mọi gia đình và mọi tổ dân phố hãy tích cực tham gia diệt bọ gậy, loăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
   "Không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi, không có sốt xuất huyết", đó là điều năm trong tầm tay của mỗi chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét