Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
     Đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là một bệnh mạn tính. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường ở trong máu và các rối loạn chuyển hóa khác.
Hiện nay, chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường. Song nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, ngoài các có yếu tố di truyền hoặc gia đình(tức là khi gia đình có người bị tiểu đường thì những người còn lại có nguy cơ dễ bị bệnh tiểu đường hơn), thì các yếu tố xã hội như: cách ăn uống không hợp lý, lối sống ít hoạt động thể lực...cũng góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Trong đó, các yếu tố xã hội hoàn toàn có thể cải thiện được.
Chế độ ăn uống hợp lý là nền tảng cho kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường. Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Chế độ ăn uống hợp lý còn giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác bị tách biệt trong đời sống xã hội.
Hiện nay, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo chế độ ăn của người tiểu đường nên gần giống với người bình thường. Nghĩa là:
1)      Lượng bột đường (gạo, bắp, khoai…) gần với mức người bình thường, khoảng 50-60% khẩu phần ăn trong một bữa.
2)      Cho phép người tiểu đường được sử dụng đường đơn giản ở mức hạn chế (đường để nêm thức ăn, cho vào các loại thức uống…)
3)      Giảm lượng chất béo, nên ăn các loại dầu, mỡ cá, khoảng 20-30%
4)      Tăng chất xơ. Chất xơ có nhiều trong rau, trái cây.
Người tiểu đường nên có chế độ ăn gần như bình thường, ăn đều đặn, không bỏ bữa, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (khoảng 4 - 6 bữa). Đây là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh tiểu đường thành công.
 Cần lưu ý là không có một thực đơn chung cho mọi bệnh nhân tiểu đường bởi vì mỗi bệnh nhân tiểu đường có sở thích ăn uống khác nhau, mức độ hoạt động thể lực khác nhau, mức đường trong máu khác nhau, hoặc cách sử dụng thuốc khác nhau.
Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Điều này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì, giúp hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét