Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ

Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 1992. Sau 17 năm thực hiện, ngày 14/11/2008, nước ta có Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Luật BHYT đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về BHYT, định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Những giải đáp sau sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về BHYT.
1. Bảo hiểm y tế (BHYT) là gì?
BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Luật BHYT không áp dụng đối với BHYT mang tính kinh doanh.
2. BHYT được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
BHYT được thực hiện theo 5 nguyên tắc:
- Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
- Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính.
- Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả.
- Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được nhà nước bảo hộ.
3. Luật BHYT được áp dụng đối với đối tượng nào?
Luật BHYT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT.
4. Hiện nay có mấy loại hình BHYT đang được thực hiện?
Từ nay đến hết 31/12/2013 các đối tượng khi chưa có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT thì được tự nguyện BHYT. Như vậy, từ nay đến hết năm 2013 sẽ có 2 loại hình BHYT:
4.1. BHYT đối với người có trách nhiệm tham gia BHYT.
4.2. BHYT đối với người tự nguyện tham gia BHYT.
Từ ngày 01/01/2014 toàn dân có trách nhiệm tham gia BHYT. Như vậy, chỉ còn BHYT đối với người có trách nhiệm tham gia BHYT.
5. Nhà nước có chính sách gì đối với BHYT?
Chính sách của Nhà nước đối với BHYT bao gồm:
5.1. Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người có công với cách mạng và một nhóm đối tượng xã hội.
5.2. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Nguồn thu của quỹ và số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được miễn thuế.
5.3. Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia BHYT hoặc đóng BHYT cho các nhóm đối tượng.
5.4. Nhà nước khuyến khách đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong quản lý BHYT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét