Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

PHÒNG TRÁNH BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

          Bệnh đau mắt đỏ - trong y học gọi là Viêm kết mạc dịch tể, là một bệnh thường gặp trong cộng đồng. Bệnh này rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các vật dụng hàng ngày. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nẵng nóng, môi trường bị ô nhiễm bụi bặm, bệnh rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch.
Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh triệu chứng sẽ xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày. Ban đầu bệnh nhân có cảm giác cộm trong mi mắt, nước mắt dễ chảy và chảy nhiều. Sau khi ngủ dậy, bệnh nhân khó mở mắt ra được ngay vì ghèn ra nhiều và bám quanh mi mắt, tiếp đó tròng trắng mắt (tức kết mạc) đỏ rực, kèm chảy nước mắt liên tục. Lúc này mắt có cảm giác khó chịu trước nguồn sáng mạnh thường gọi là xốn mắt, tuy nhiên thị lực vẫn bình thường. Ở bệnh này, mí mắt không sưng, nếu có thì hoặc đang bị bội nhiễm hoặc đang bị viêm nhiễm kết mạc do vi khuẩn.
       Bệnh đỏ mắt dịch tể thường diễn tiến trong 7-10 ngày, rồi tự khỏi trừ trường hợp bội nhiễm.
       Đối với đỏ mắt dịch tể hay đỏ mắt do vi rút không có thuốc đặc trị. Biện pháp điều trị chủ yếu là: Giữ vệ sinh, dùng dụng cụ vệ sinh cá nhân riêng để tránh lây lan cho người khác, để ghèn và nước mắt chảy tự do, không nên băng kín mắt, không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid như: Polydexa,Dexacol...Trong trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, mi mắt sẽ sưng lên ghèn có mùi hôi của mủ , phải dùng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh như: Sulfamid 10%, Erythomycin 0,5%, Cloramphenicol 0,4%...
Bệnh đỏ mắt dịch tể là bệnh lây trực tiếp qua tiếp xúc với người bệnh hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng hàng ngày cũng như do môi trường bị ô nhiễm. Do đó, việc phòng tránh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Đối với cá nhân, không dùng chung dụng cụ vệ sinh với người bệnh như: Khăn mặt, lược, chậu rửa mặt....
Tốt nhất là mỗi người nên có một số đồ dùng cá nhân riêng. Không để trẻ em tiếp xúc với đất cát, các loại lông vũ như gà, chó, vịt, chim, mèo. Người bị bệnh cần phải ý thức vệ sinh sạch sẽ những đồ dùng cá nhân của mình, tránh tạo nguồn lây cho người khác. Đối với xã hội, đưa giáo dục vệ sinh vào chương trình thường qui ở trường học, mẫu giáo, nhà trẻ ... làm sạch môi trường là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét