Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

PHÁT HIỆN SỚM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG

Phát hiện sớm sốt xuất huyết tại cộng đồng
  1. Bệnh Sốt xuất huyết là gì?
 Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, cấp tính gây dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào những thời điểm giao mùa hàng năm, thời tiết mưa nắng thất thường. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển Miền Trung.
  Khoa học đã chứng chứng minh bệnh sốt huyết do một loại muỗi vằn có tên là Aedes Aegypti truyền từ người nầy qua người khác. Muỗi nầy thường sống gần nơi sinh hoạt của người, sống ở trong nhà và nó hoạt động chủ yếu vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
2. Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?
 Bất cứ ai cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết, nhất là những người sống trong vùng có dịch. Trẻ em từ 1-15 tuổi thường dễ mắc bệnh và nặng hơn so với người lớn. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có tốc độ lan truyền nhanh và có thể xảy ra thành dịch lớn, làm nhiều người mắc cùng lúc, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tử vong, đặc biệt là trẻ em.
3.Vậy người mắc bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện gì?
Trước hết là hiện tượng sốt cao, đột ngột, từ 39 độ trở lên, và liên tục, dai dẵng trong thời gian từ 2 đến 7 ngày liền, khó hạ sốt, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu.
Thứ hai, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nhìn thấy được như: những chấm xuất huyết, điểm xuất huyết hay mãng xuất huyết dưới da, người bệnh bị chảy máu mũi, chảy máu lợi hoặc răng, người bệnh nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu.
Thứ 3, bệnh nhân có biểu hiện choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc huyết áp kẹp, đau bụng, buồn non, chân tay lạnh, người bệnh vật vả, hốt hoảng.
4. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
 Cần phải đưa người bệnh đi khám ngay khi bị sốt cao đột ngột, nhất là vào những tháng mưa trong năm, hoặc trong vùng đã có người bị sốt xuất huyết. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc chưa có điều kiện đưa đến cơ sở y tế, thì có thể chăm sóc ngay tại nhà bằng cách:
+ Nghỉ ngơi tại nhà,
+ Cho uống nhiều nước, nước uống tốt nhất là dung dịch Oresol hoặc  hoặc nước trái cây. Ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hoá như: cháo, súp, sữa...
+ Dùng thuốc paracetamol để hạ sốt,  khi bị sốt cao thì phải dùng khăn ướt để lau mát, chú ý lau nhiều ở 2 bẹn và 2 nách vì đây là vùng có nhiều mạch máu đi qua.
+ Tuyệt đối không được dùng Aspirin để hạ sốt. Tuyệt đối không được cạo gió, trích huyết...
Theo dõi thường xuyên, nếu thấy có bất kỳ biểu hiện xuất huyết nào hoặc bệnh trở nặng hơn như: li bì, bứt rứt, vật vả, chân tay lạnh, đau bụng, nôn mữa nhiều...thì cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét