Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

DINH DƯỠNG CHO TRẺ BỊ NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP

   Dinh dưỡng cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
     Khi thời tiết thay đổi, nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi và kèm theo ho, thở nhanh bất thường… các bà mẹ nên thận trọng, vì có thể bé đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính.
    Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thường có các triệu chứng: ho, sốt, khó thở, đau họng, chảy nước mũi và chảy mủ tai. Ho là triệu chứng hay gặp nhất. Thông thường, ho hay kèm theo sốt. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh; cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, không buộc trẻ nhịn ăn hay kiêng ăn.
- Trong lúc trẻ bệnh: nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường, cho trẻ bú bất cứ lúc nào khi trẻ có nhu cầu, kể cả ban đêm;
- Uống nhiều nước hơn khi trẻ sốt cao, tốt nhất là nước rau, quả tươi như nước cam, chanh;
- Trong lúc bệnh, trẻ dễ bị ói, và có cảm giác ăn không ngon, vì vậy cần cho trẻ ăn chậm hơn lúc bình thường. Khi trẻ không chịu ăn nữa thì ngưng và bổ sung ngay sau bữa ăn những món ăn mà trẻ thích như sữa chua, pho mai, các loại bánh…
- Thức ăn cần nấu mềm hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ cho trẻ ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm là bột đường, đạm, chất béo, rau củ và trái cây.
- Không cho trẻ ăn hoặc uống thức ăn, nước uống lạnh.
- Chuẩn bị khăn khô mềm để lau cho trẻ trong khi ăn, không dùng khăn ướt vì dễ chạm vào mũi gây lạnh và kích thích chảy mũi liên tục.
- Khi trẻ nhiễm khuẩn thường hay kém ăn, hay bị nôn trớ nên lượng thức ăn đưa vào trong cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời cơ thể bị tiêu hao rất nhiều năng lượng trong lúc bệnh để chống đỡ lại bệnh tật, nên sau khi ốm dậy trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, nên cho trẻ ăn thêm 1 bữa/ngày với thức ăn giàu dinh dưỡng trong vòng 1 tháng sau khi khỏi bệnh.
         Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp trong mùa lạnh cho trẻ, quan trọng nhất là chế độ nuôi dưỡng tốt; Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không nên cho trẻ ra ngoài trời vào ban đêm, hạn chế ra đường; Vệ sinh nhà ở, phòng ngủ của trẻ luôn thoáng mát, tránh ẩm thấp, tránh khói bụi; Vệ sinh mũi, răng miệng thường xuyên; Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và tiêm chủng đúng lịch cho trẻ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét